Vào tháng 7, kim ngạch thương mại giữa Nga và Mỹ đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine.
Hãng tin RBK trích dẫn dữ liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ cho hay kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 277,3 triệu USD trong tháng 7. Con số đó thấp hơn 11 lần so với mức được ghi nhận vào tháng 2/2022 và thấp hơn gần 13 lần so với mức của tháng 7/2021. Năm đó, Mỹ xếp thứ năm trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Nga.
Số liệu của tháng 7 vừa qua cũng đã chạm đáy thấp nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào đầu những năm 2000.
Xuất khẩu của Nga hiện chiếm gần 90% kim ngạch giữa hai nước và chủ yếu bao gồm nhiên liệu hạt nhân, phân khoáng và kim loại nhóm bạch kim. Ba mặt hàng trên chiếm 2,5 tỷ USD trong tổng số hàng hóa trị giá 3 tỷ USD mà Mỹ mua từ Nga trong 7 tháng đầu năm 2023. Trong khi đó, xuất khẩu của Mỹ sang Nga đã giảm xuống còn 36 triệu USD vào cuối tháng 7.
Kim ngạch thương mại đã giảm mạnh mẽ sau khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Moskva, nhằm đáp trả hoạt động quân sự của nước này tại Ukraine. Đầu năm 2022, Mỹ đã cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu, kim cương và hải sản của Nga. Sau đó, Washington áp dụng thuế bổ sung đối với thép, sản phẩm nhôm, cao su, gỗ cùng với các hàng hóa khác nhập khẩu từ Nga. Kết quả, nhập khẩu kim loại màu từ Nga đã giảm xuống gần như bằng 0.
Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối nhắm mục tiêu vào nhiên liệu hạt nhân của Nga vì chúng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân dân sự ở Mỹ. Thống kê ngoại thương của Mỹ cho thấy Moskva là nhà cung cấp urani làm giàu lớn nhất cho Washington trong 7 tháng đầu năm nay. Tính đến năm 2022, Nga chiếm khoảng 12% tổng lượng urani nhập khẩu của Mỹ, thị phần lớn thứ ba sau Canada và Kazakhstan.
Xuất khẩu kim loại thuộc nhóm bạch kim của Nga sang Mỹ cũng duy trì ở mức cao. Trong khi các lô hàng paladi của cả năm 2022 lên tới 1,39 tỷ USD, thì lượng giao hàng trong tháng 1 đến tháng 7 năm nay đạt 701 triệu USD. Kim loại này được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn, cũng như trong ngành công nghiệp ô tô.
Nga cũng là nhà cung cấp phân bón lớn thứ hai của Mỹ tính đến năm 2023 với 944 triệu USD từ tháng 1 đến tháng 7. Canada đứng đầu danh sách với 2,8 tỷ USD. Saudi Arabia, Israel và Qatar là các nhà cung cấp hàng đầu khác.