Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Washington, D.C., ngày 28/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Một phái đoàn cấp cao của Ukraine sẽ tới Washington D.C. trong tuần này để vạch ra những “ranh giới đỏ” trong một thỏa thuận tiềm năng về khai thác tài nguyên khoáng sản với Mỹ, theo tuyên bố của Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, bà Yulia Svyrydenko. Bà Svyrydenko nhấn mạnh rằng Ukraine có ý định “thiết lập các ranh giới đỏ và các nguyên tắc cốt lõi mà thỏa thuận nên dựa trên” để đảm bảo phiên bản cuối cùng sẽ hoàn toàn phù hợp với lợi ích quốc gia và chiến lược của Ukraine.
Phó Thủ tướng Svyrydenko phát biểu trên X: "Chúng tôi đặt mục tiêu thống nhất về việc lựa chọn dự án, khuôn khổ pháp lý và cơ chế đầu tư dài hạn".
Bà Svyrydenko cho biết cuộc đối thoại với Mỹ phản ánh lợi ích chiến lược của hai nước và "cam kết chung của chúng tôi trong việc xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ và minh bạch", đồng thời tiết lộ thêm, phái đoàn Ukraine tới Washington, D.C., sẽ bao gồm đại diện của các bộ kinh tế, ngoại giao, tư pháp và tài chính.
Bà Svyrydenko nêu rõ, dự thảo trước đó của thỏa thuận chỉ phản ánh “lập trường của nhóm pháp lý tại Bộ Tài chính Mỹ”. Bản dự thảo này đã vấp phải sự chỉ trích ở Kiev vì trao cho Mỹ quyền tiếp cận ưu đãi đối với doanh thu từ tài nguyên thiên nhiên của Ukraine và có thể đặt việc quản lý các mỏ khoáng sản cùng các dự án cơ sở hạ tầng mới dưới sự kiểm soát của Mỹ.
Theo Reuters, chính quyền Mỹ muốn Kiev đồng ý trao cho họ một khoản cổ phần lớn trong thu nhập khoáng sản trong tương lai của Ukraine. Tổng thống Donald Trump coi đây là cách để lấy lại hàng tỷ USD viện trợ cho cuộc chiến của Ukraine với Nga. Kiev rất muốn duy trì sự ủng hộ của đồng minh nhưng cảnh giác với việc ký kết. Vào cuối tháng 3 vừa qua, Washington đã chuyển cho Kiev một bản dự thảo sửa đổi có phạm vi rộng hơn đáng kể so với phiên bản trước đó đã được thống nhất.
Các quan chức Ukraine đã thận trọng khi bình luận về dự thảo, khi bản tóm tắt cho thấy Mỹ đã yêu cầu toàn bộ nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên của Ukraine trong nhiều năm. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Kiev sẽ không công nhận các khoản viện trợ trước đây của Mỹ là các khoản vay phải trả lại, hoặc đồng ý với một thỏa thuận đe dọa đến quá trình hội nhập trong tương lai của nước này với EU.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha trả lời hãng thông tấn Ukrinform vào ngày 8/4 rằng Ukraine đã chuẩn bị lập trường của mình về thỏa thuận khoáng sản và tầm nhìn của mình về văn bản đàm phán với Mỹ. Theo ông Sybiha, thỏa thuận này phải có lợi cho cả hai bên, đáp ứng lợi ích của cả hai nước mà không gây nguy cơ cho việc Ukraine gia nhập EU.
"Đây là một trong những lập trường nguyên tắc của phía Ukraine", ông Sybiha nói thêm.
Phiên bản mới nhất của thỏa thuận được cho là trao cho Mỹ quyền kiểm soát chưa từng có đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine thông qua một khoản đầu tư chung. Một trong những vấn đề nổi cộm là dự thảo mới nhất của thỏa thuận này xung đột với quan hệ đối tác nguyên liệu thô quan trọng được ký kết giữa Brussels và Kiev vào năm 2021, có khả năng gây tổn hại đến tham vọng gia nhập EU trong tương lai của Ukraine.
Ngoại trưởng Sybiha cho biết phái đoàn Ukraine sẽ có một công ty luật hỗ trợ các cuộc đàm phán tại Mỹ đi cùng.
Cuộc đàm phán mới về khoáng sản giữa Ukraine và Mỹ, vốn đã gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa Kiev và Washington, diễn ra sau nỗ lực hoàn thiện một thỏa thuận khung vào đầu năm nay. Kế hoạch đó đã bị phá vỡ sau cuộc họp căng thẳng tại Phòng Bầu dục giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó Tổng thống JD Vance và Tổng thống Zelensky vào cuối tháng 2 vừa qua. Những người chỉ trích sau đó đã chỉ trích bản dự thảo bị rò rỉ vì có khả năng làm suy yếu quyền kiểm soát của Ukraine đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình, bao gồm không chỉ khoáng sản đất hiếm mà còn cả khí đốt và dầu mỏ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trước đó đã khẳng định Washington “hoàn toàn chuẩn bị” để ký kết dự thảo. Tuy nhiên, Chính phủ Ukraine dường như đang trì hoãn việc hoàn thiện thỏa thuận, với hy vọng rằng Tổng thống Trump sẽ hủy bỏ thỏa thuận và chuyển giao trách nhiệm hỗ trợ Ukraine cho các nước châu Âu. Cựu nghị sĩ Ukraine Vladimir Oleynik cho rằng Tổng thống Volodymyr Zelensky có thể đã cố tình tạo ra căng thẳng trong cuộc gặp tại Phòng Bầu dục để làm chệch hướng việc ký kết thỏa thuận tài nguyên.
Ông Oleynik còn đưa ra giả thuyết về một thỏa thuận bí mật giữa Ukraine và Anh về quyền kiểm soát tài nguyên. Ông cũng chỉ ra rằng Điều 13 của Hiến pháp Ukraine quy định rõ ràng rằng đất đai, lòng đất, không phận và nước là tài sản của người dân Ukraine, do đó việc chuyển giao các nguồn tài nguyên này đòi hỏi phải có sự đồng ý thông qua trưng cầu dân ý.