Biến Ukraine thành "con nhím thép": Tiết lộ năng lực của tổ hợp công nghiệp-quân sự của Kiev

Giữa cuộc xung đột kéo dài với Nga, Ukraine đang xây dựng một nền quốc phòng mạnh mẽ, không chỉ dựa vào viện trợ mà còn tăng cường sản xuất vũ khí nội địa.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine bắn đạn pháo trong cuộc xung đột với Nga gần Bahmut, vùng Donetsk. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Giữa bối cảnh cuộc xung đột với Nga chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và tương lai viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ trở nên bất định, Ukraine đang âm thầm biến mình trở thành "con nhím thép" trong sản xuất vũ khí, trang thiết bị. Theo đó, thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ bên ngoài, Kiev đang đẩy mạnh năng lực sản xuất quốc phòng nội địa, từng bước khẳng định khả năng tự cường mạnh mẽ trong khói lửa giao tranh.

Theo một bài phân tích trên tờ Economist (Anh) mới đây, chiến lược được những người ủng hộ Ukraine hướng tới là trang bị vũ khí cho quốc gia này "tận răng". Họ tin rằng, một Ukraine được vũ trang đầy đủ chính là sự đảm bảo an ninh tốt nhất trong bối cảnh hiện tại. "Chiến lược biến Ukraine trở thành con nhím thép" mà châu Âu đang hướng tới bao gồm việc tăng cường mua sắm đạn dược, các hệ thống vũ khí hiện đại và tên lửa cho hệ thống phòng không của Ukraine. Châu Âu cũng nhận định rằng, việc kích thích ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine sẽ là một giải pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất để hỗ trợ quốc gia này.

Tờ Economist chỉ ra rằng, Ukraine từng là một trung tâm sản xuất vũ khí lớn thời Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, ngành công nghiệp này đã trải qua một giai đoạn suy thoái kéo dài. Mặc dù vậy, sau khi cuộc chiến với Nga nổ ra vào năm 2022, Ukraine đã cho thấy khả năng đáng kinh ngạc khi dựa vào cơ sở kỹ thuật hiện có và sự phát triển của ngành công nghệ mới để vực dậy tiềm năng quốc phòng.

Kiev đang ấp ủ những kế hoạch đầy tham vọng trong lĩnh vực sản xuất vũ khí. Quốc gia này đặt mục tiêu sản xuất tới 5 triệu thiết bị bay không người lái (UAV) góc nhìn thứ nhất (FPV) – loại UAV đang chứng minh hiệu quả trên chiến trường – và hơn 30.000 UAV tầm xa, mở rộng đáng kể khả năng trinh sát và tấn công từ xa. Bên cạnh đó, kế hoạch sản xuất còn bao gồm 3.000 tên lửa hành trình loại "Long Neptune" – loại tên lửa từng gây tiếng vang khi đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga – và tên lửa có động cơ phản lực loại "Palyanytsya".

Một thông tin đáng chú ý khác được tiết lộ là Ukraine đang tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo Thunder 2 và Grom-2 (do chính nước này sản xuất) để nhằm tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Điểm đặc biệt của loại tên lửa này là tốc độ cực nhanh, khiến chúng trở nên khó bị đánh chặn hơn so với các loại tên lửa thông thường.

Theo cựu quan chức Bộ Quốc phòng Đức Nico Lange, một lĩnh vực mà Ukraine đang cho thấy sự vượt trội là công nghệ tác chiến điện tử. Ông tin rằng, năng lực tác chiến điện tử của Ukraine hiện đã được cải thiện lớn so với hệ thống của Nga và phương Tây. Tờ Economist dẫn chứng, tổ hợp tác chiến điện tử "Lima" do Ukraine phát triển đã chứng minh khả năng vô hiệu hóa hệ thống dẫn đường của các loại bom lượn mà Nga đang sử dụng.

Không chỉ tập trung vào các loại vũ khí công nghệ cao, Ukraine còn nỗ lực đẩy mạnh sản xuất các loại vũ khí truyền thống. Trong năm 2024, hơn 2,5 triệu quả đạn pháo và đạn cối đã được chuyển đến tiền tuyến. Thành tựu này có được là nhờ sự hợp tác giữa Ukraine với các công ty nước ngoài như Nammo và KNDS. Tuy nhiên, Economist cũng lưu ý rằng, một số lượng đáng kể đạn cối sản xuất trong nước gặp phải vấn đề nghiêm trọng về chất lượng, cho thấy vẫn còn những thách thức trong quá trình sản xuất hàng loạt.

Một điểm sáng khác là việc sản xuất pháo tự hành Bogdan đã được đẩy nhanh từ chỉ 6 khẩu lên khoảng 20 khẩu mỗi tháng. Theo Economist, tốc độ sản xuất này nhanh hơn gấp ba lần so với pháo tự hành CAESAR nổi tiếng của Nexter (Pháp). Con số này hoàn toàn có thể tăng gấp đôi nếu Ukraine nhận được thêm nguồn tài trợ từ châu Âu.

Những thách thức 

Mặc dù đạt được những tiến bộ đáng kể, Ukraine vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng tự chủ hoàn toàn. Một trong những vấn đề lớn nhất là Ukraine không thể tự sản xuất tất cả các loại vũ khí cần thiết. Do đó, việc thành lập các liên doanh với các công ty phương Tây đóng vai trò then chốt. Ví dụ, Ukraine hiện vẫn phải nhập khẩu khung gầm cho các loại xe bọc thép.

Bên cạnh đó, Ukraine cũng cần giảm sự phụ thuộc vào hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp, đặc biệt là từ Hoa Kỳ. Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, Oleksandr Syrsky, đã báo cáo về việc nước này đang tự phát triển một hệ thống phòng không có khả năng bắn hạ cả tên lửa đạn đạo. Một liên doanh tiềm năng với công ty Thales của Pháp có thể giúp Ukraine tiếp cận với các hệ thống radar và quang điện tử tiên tiến.

Economist cũng chỉ ra rằng, hệ thống pháp luật phức tạp và xếp hạng tín dụng thấp của Ukraine đang là những trở ngại không nhỏ đối với việc thu hút đầu tư trực tiếp từ châu Âu vào lĩnh vực quốc phòng. Về phần mình, cựu Giám đốc Chính sách và Kế hoạch của NATO Fabrice Pothier bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc của các công ty Ukraine vào các bộ phận UAV có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ông kêu gọi châu Âu hỗ trợ Ukraine bằng cách cung cấp các thiết bị quang học, con quay hồi chuyển, cảm biến và bộ điều khiển bay để giảm bớt sự phụ thuộc này.

Một giải pháp được cho là nhanh chóng và hiệu quả để cung cấp vũ khí cho Lực lượng vũ trang Ukraine là áp dụng "mô hình Đan Mạch". Theo mô hình này, Ukraine sẽ xác định danh sách các loại vũ khí cần ưu tiên mua sắm, Đan Mạch sẽ chi trả cho các đơn đặt hàng này, đồng thời các chuyên gia của Đan Mạch sẽ tiến hành đánh giá các nhà cung cấp và giám sát quá trình thực hiện. Năm ngoái, Đan Mạch đã mua 18 khẩu pháo Bogdan cho Ukraine, sau đó tiếp tục tài trợ cho việc sản xuất UAV tầm xa và hệ thống tên lửa. Kiev hy vọng sẽ nhận được khoảng 1 tỷ euro cho sáng kiến này trong năm 2025.

Bất chấp những thách thức không nhỏ, Ukraine đang cho thấy một ý chí kiên cường trong việc xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng tự lực, tự cường. Từ việc tăng cường sản xuất các loại vũ khí hiện có đến việc phát triển các công nghệ mới, Ukraine đang từng bước biến mình thành một "con nhím thép". Sự hỗ trợ từ các đối tác phương Tây, đặc biệt là thông qua các hình thức hợp tác hiệu quả như "mô hình Đan Mạch", sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố năng lực quốc phòng của Ukraine, góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này trong bối cảnh đầy biến động hiện nay.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Hoa Kỳ chia rẽ sâu sắc về viện trợ Ukraine
Hoa Kỳ chia rẽ sâu sắc về viện trợ Ukraine

Cuộc thăm dò mới tiết lộ sự phân cực đáng báo động trong lòng nước Mỹ về viện trợ cho Ukraine, phản ánh cuộc chiến chính trị đang định hình lại chính sách đối ngoại Hoa Kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN