Trong một thông cáo, Twitter nêu rõ công ty này đã gỡ bỏ 238 tài khoản đang hoạt động tại Iran vì hàng loạt vi phạm chính sách.
Bên cạnh đó, 100 tài khoản có liên quan tới Nga cũng bị chặn bởi thổi phồng những câu chuyện làm xói mòn niềm tin đối với NATO và nhằm vào Mỹ cũng như Liên mình châu Âu.
Ngoài ra, 35 tài khoản khác bị gỡ bỏ vì dính líu tới Armenia với cáo buộc các tài khoản đó được tạo ra nhằm vào Azerbaijan.
Trước đó, ngày 25/1, Twitter đã công bố sáng kiến mới mang tên Birdwatch nhằm khuyến khích người dùng "gắn cờ" đối với những bài đăng chứa thông tin gây hiểu lầm hay sai lệch.
Theo đó, Birdwatch sẽ được vận hành riêng biệt với Twitter, cho phép người dùng xác định những bài đăng có khả năng sai sự thật hoặc gây hiểu lầm, từ đó giúp ngăn chặn những thông tin xấu độc.
Trên blog cá nhân, Phó Chủ tịch Twitter Keith Coleman cho biết sáng kiến trên nhằm khuyến khích nhiều người cùng tham gia cuộc chiến chống nạn thông tin giả trên nền tảng mạng xã hội này. Birdwatch cho phép người dùng xác định thông tin trong các bài đăng mà họ cho là gây hiểu lầm và viết ghi chú để bổ sung thông tin về vấn đề đó.
Sáng kiến Birdwatch được công bố trong bối cảnh Twitter và nhiều mạng xã hội khác đã hứng chịu chỉ trích do thất bại trong việc ngăn chặn hành vi thao túng và định hướng thông tin sai lệch về các cuộc bầu cử, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và nhiều vấn đề khác. Hiện chi tiết về sáng kiến này chưa được công bố, song dường như Birdwatch dựa trên cách tiếp cận khuyến khích sự tham gia của cộng đồng tương tự với Wikipedia, nơi các thông tin được kiểm chứng từ nhiều nguồn.
Cũng trong ngày 25/1, mạng xã hội Twitter cho biết đã khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Mike Lindell, Giám đốc điều hành (CEO) công ty My Pillow do liên tục thông tin sai lệch liên quan đến bầu cử Mỹ.
Ông Lindell, vốn là một người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, từng tài trợ cho các hoạt động biểu tình sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2020. Ông Lindell đã sử dụng tài khoản Twitter cá nhân, có gần 500.000 người theo dõi trước khi bị khóa, cũng như tài khoản của công ty nhằm lan truyền các thông tin không được kiểm chứng về gian lận trong cuộc bầu cử vừa qua.
Động thái của Twitter diễn ra trong bối cảnh một số ông lớn công nghệ mạng xã hội cũng đang căng thẳng với chính quyền một số nước. Tuần này, Facebook tuyên bố sẽ dỡ bỏ việc chặn tin tức của các tổ chức báo chí Australia xuất hiện trên nền tảng của mình, sau khi chính phủ nước này nhất trí sửa đổi dự luật buộc hãng phải trả tiền cho các công ty truyền thông nước sở tại về việc sử dụng nội dung tin tức.
Theo hãng tin Reuters của Anh, thông báo trên được đưa ra ngày 23/2, gần một tuần sau khi Facebook chặn quyền truy cập tin tức nội địa trên nền tảng truyền thông xã hội này nhằm phản đối Bộ quy tắc thương lượng giữa các phương tiện truyền thông và các hãng tin tức do Chính phủ Australia đề xuất. Nếu được thông qua, bộ quy tắc sẽ buộc các hãng công nghệ lớn như Facebook và Google trả tiền cho việc sử dụng nội dung tin tức của các tổ chức báo chí Australia, trừ khi hai bên chủ động ký kết thỏa thuận.
Động thái chặn quyền truy cập vào các trang tin tức Australia của Facebook đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính giới, người dân Australia và chính phủ nhiều nước.