Thụy Sĩ và Áo đã đệ trình hồ sơ đề nghị công nhận truyền thống này lên UNESCO vào tháng 3/2017.
Theo Cơ quan Văn hóa Liên bang Thụy Sĩ, kiến thức, kinh nghiệm và chiến lược để đối phó với nguy cơ tuyết lở là một di sản sống, thường xuyên được người dân ở các vùng núi Alps tích lũy và lưu truyền.
Người dân vùng núi Alps đã phát triển các hình thức quản lý mang tính tập thể để đối phó với nguy cơ, rủi ro của hiện tượng tuyết lở từ nhiều thế kỷ nay. Các hoạt động như huấn luyện chó tìm kiếm, cứu hộ, trong đó có những con chó đặc trưng của vùng St. Bernard nổi tiếng, khu vực thuộc bang Valais, phía Nam Thụy Sĩ; tập hợp, thống kê các vụ lở tuyết; bảo vệ người dân và nhà ở; đào tạo các hướng dẫn viên... thường xuyên được bảo tồn và truyền bá.
Bên cạnh đó, người dân và các chuyên gia về quản lý các nguy cơ tuyết lở đã thường xuyên tích lũy những hiểu biết, kinh nghiệm mang tính kỹ thuật, xã hội và văn hóa, từ đó có thể đưa ra các cảnh báo về các vụ lở tuyết, cũng như bảo vệ bản thân và cứu nạn.
Cơ quan Văn hóa Thụy Sĩ nhấn mạnh việc UNESCO vinh danh truyền thống, kinh nghiệm quản lý nguy cơ tuyết lở của Thụy Sĩ và Áo cho thấy việc quản lý các hiểm họa thiên nhiên không chỉ đặt ra những thách thức về mặt kỹ thuật, mà còn cả những thách thức về mặt văn hóa mà mỗi một cộng đồng đều có những cách ứng xử, giải quyết riêng để lưu truyền cho các thế hệ tương lai.
Quyết định vinh danh truyền thống, kinh nghiệm quản lý tuyết lở của người dân vùng Alps được đưa ra trong khuôn khổ cuộc họp lần thứ 13 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đang diễn ra tại thành phố Port Louis, quốc đảo Mauritius.