Trung Quốc mở cửa trở lại, nhiều hãng hàng không đau đầu với việc tuyển dụng tiếp viên

Các hãng hàng không Trung Quốc đang triển khai đợt tuyển dụng lớn nhất trong hơn ba năm qua sau khi chính phủ nước này mở cửa du lịch.

Chú thích ảnh
Các ứng viên được đo chiều cao trong buổi tuyển dụng tiếp viên hàng không tại hãng hàng không Hainan Airlines. Ảnh: Reuters

Trái ngược với các nước phương Tây - nơi vị trí tiếp viên hàng không bị trả lương tương đối thấp và hầu hết không yêu cầu bằng đại học, tại Trung Quốc, muốn trở thành tiếp viên hàng không các ứng viên phải có bằng cử nhân và vượt qua kỳ thi tiếng Anh "khó nhằn" do chính phủ quản lý.

Theo dữ liệu từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC), trong đại dịch COVID-19, tổng số tiếp viên hàng không ở Trung Quốc đã giảm khoảng 11.000 người, tương đương giảm 11% so với mức trước đại dịch là 108.955 vào năm 2019. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không phải xuất phát từ quyết định sa thải nhân công hàng loạt như ở phương Tây.

Các hãng hàng không bao gồm Xiamen Airlines, China Southern Airlines và Spring Airlines hiện tăng cường tuyển dụng khi du lịch nội địa phục hồi và họ có kế hoạch nối lại các chuyến bay đến các điểm đến quốc tế.

Tuy nhiên, các hãng hàng không sẽ phải đau đầu tuyển lựa trước số lượng ứng viên áp đảo vào thời điểm kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học trong bối cảnh thị trường việc làm rơi xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm đã làm suy yếu nhu cầu xuất khẩu và các công ty trong các lĩnh vực như công nghệ, giáo dục và bất động sản đang cắt giảm nhân sự.

Năm nay, hãng hàng không Hainan Airlines có kế hoạch thuê hơn 1.000 tiếp viên hàng không nhưng chưa hết năm họ nhận được hơn 20.000 đơn đăng ký.

Trong khi đó, hãng hàng không China Southern có kế hoạch thuê 3.000 tiếp viên nhưng tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, số lượng ứng viên ứng tuyển đã cao gấp 7 lần.

Các chuyên gia trong ngành cho biết, trước đại dịch, chỉ khoảng 10% ứng viên được tuyển dụng.

"Nhiều cô gái và chàng trai trẻ tuổi muốn làm công việc này, vì thu nhập khá ổn, dao động từ 10.000 nhân dân tệ (1.454 USD) đến 20.000 nhân dân tệ/tháng. Đặc điểm công việc cũng rất thú vị, cho phép họ bay khắp nơi”, Li Hanming - một chuyên gia độc lập về ngành hàng không Trung Quốc - cho biết.

Dẫn số liệu từ viện nghiên cứu và tư vấn giáo dục MyCOS, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin năm 2021, chỉ 6,1% sinh viên mới tốt nghiệp đại học kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng.

Wang Shenbo, người đã ứng tuyển vào vị trí tiếp viên hàng không tại Hainan Airlines, chia sẻ phần lớn các bạn cùng lớp của anh đang tiếp tục học lấy bằng thạc sĩ với hy vọng kiếm được công việc được trả lương cao hơn.

"Một số người trong số họ không hứng thú với công việc của tiếp viên hàng không, không giống như tôi. Nhiều bạn học của tôi đã tìm được việc làm nhưng không hài lòng với mức lương”, Wang nói.

Chuyên gia Li chỉ ra bất chấp xu hướng gia tăng số lượng người tìm việc, các hãng hàng không có thể gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên mới ngay lập tức do các khóa đào tạo trên mặt đất kéo dài cả năm. Điều này có thể làm chậm nỗ lực tăng công suất nhanh chóng và từ đó khiến giá vé máy bay vẫn duy trì ở mức cao.

Theo dữ liệu từ ứng dụng theo dõi chuyến bay Flight Master, sức tải nội địa của Trung Quốc đã vượt mức của năm 2019 từ giữa tháng 3, nhưng các chuyến bay quốc tế chỉ phục hồi đạt 30% so với mức trước đại dịch.

Với mùa cao điểm hè đến gần, các hãng hàng không Trung Quốc đang bổ sung thêm năng lực bay quốc tế. Ví dụ hãng hàng không Air China cho biết họ sẽ quay trở lại các tuyến trước đại dịch bao gồm Bắc Kinh-Rome (Italy), Bắc Kinh-TP Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Thành Đô-London (Anh). Nhưng hiện tại sức chứa hạn chế đã dẫn buộc giá vé máy bay bán cao hơn.

"Tôi phải trả 18.000 nhân dân tệ cho một vé hạng phổ thông một chiều bay từ Frankfurt đến Bắc Kinh. Trong khi trước đó, với lượt bay khứ hồi, tôi chỉ cần mất 1/3", Jin Huo, một doanh nhân, chia sẻ về mức giá vé máy bay cao.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Hãng hàng không Nhật Bản phục vụ đồ ăn chế biến từ côn trùng
Hãng hàng không Nhật Bản phục vụ đồ ăn chế biến từ côn trùng

Dế là một món ăn nhẹ phổ biến ở nhiều nước châu Á và châu Phi. Đây là loại thực phẩm giàu protein và nhiều chất dinh dưỡng khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN