Ngày 24/8, Quốc vụ viện (chính phủ) Trung Quốc đã quyết định gói chính sách gồm 19 điểm, trong đó bao gồm 300 tỷ NDT dành cho các ngân hàng chính sách nhà nước đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Đây là khoản bổ sung mới cho khoản 300 tỷ NDT đã công bố hồi cuối tháng 6 vừa qua. Các chính quyền địa phương cũng sẽ được cung cấp 500 tỷ NDT dưới dạng trái phiếu đặc biệt. Các biện pháp được công bố trong cuộc họp chính phủ do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, trong đó kêu gọi sử dụng "các công cụ hiện có trong bộ công cụ" nhằm duy trì quy mô chính sách hợp lý một cách kịp thời và quyết liệt, không để các biện pháp kích thích kinh tế được sử dụng tràn lan và lãng phí.
Các biện pháp được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế để phòng chống COVID-19 và thị trường bất động sản chìm trong bất ổn trong suốt một năm qua. Điều này ảnh hưởng tới mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2022 mà Bắc Kinh đề ra. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 4% trong năm nay.
Trước khi công bố gói 19 biện pháp mới, Bắc Kinh cũng đã thực hiện một số bước đi nhằm kích thích kinh tế. Theo đó, các ngân hàng chính sách đã được phân bổ tổng cộng 1.100 tỷ NDT để cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng từ tháng 6. Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bất ngờ giảm lãi suất 10 điểm cơ bản. Trước đó, hồi tháng 5, Bắc Kinh cũng công bố gói biện pháp hỗ trợ tổng trị giá 1.900 tỷ NDT, trong đó có hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.
Cũng tại cuộc họp ngày 24/8, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Để tăng nguồn cung năng lượng, các công ty điện lực nhà nước được hỗ trợ bằng phương thức phát hành cổ phiếu đặc biệt trị giá 200 tỷ NDT. Ngàng nông nghiệp cũng được hỗ trợ thêm 10 tỷ NDT. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết có thêm các biện pháp hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp tư nhân và các công ty công nghệ.