Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Yonhap |
Theo KNCA, buổi lễ tháo dỡ bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri sẽ được Triều Tiên tiến hành vào ngày 23-25/5 tới.
Động thái này diễn ra chưa đầy 1 tháng trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên vào ngày 12/6 tại Singapore.
Theo giới chức Nhà Trắng, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên chính là một trong những nội dung hàng đầu của chương trình nghị sự giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong-un.
KCNA cho biết thêm báo chí nước ngoài sẽ được mời tới tham dự và đưa tin về buổi lễ này.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên trong một thông báo chính thức nêu rõ các nhà báo của Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Anh sẽ được mời tới đưa tin sự kiện quan trọng này, dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 23-25/5 tùy thuộc điều kiện thời tiết.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong một lần thị sát cơ sở hạt nhân Triều Tiên. Ảnh: Sputnik |
Thông cáo khẳng định Triều Tiên đã “triển khai mọi công tác chuẩn bị về kỹ thuật” nhằm đóng cửa bãi thử hạt nhân này.
KCNA cho biết thêm việc dỡ bỏ bãi gồm đánh sập tất cả các đường hầm bằng thuốc nổ, đóng mọi lối vào và di dời tất cả các thiết bị hạ tầng giám sát, các tòa nhà nghiên cứu và các chốt kiểm soát an ninh quanh bãi thử.
Trước đó, trong một động thái thể hiện thiện chí trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, Bình Nhưỡng hôm 21/4 cũng đã tuyên bố ngừng mọi hoạt động thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Quyết định đầy bất ngờ và được dư luận nhiệt liệt hoan nghênh nói trên được đưa ra chỉ vài tiếng sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề nghị trợ giúp thúc đẩy kinh tế Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng nhanh chóng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đang ở thăm Washington, ông Pompeo nêu rõ: "Nếu Triều Tiên có hành động táo bạo nhanh chóng phi hạt nhân hóa, Mỹ sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên để đạt được sự thịnh vượng ngang với Hàn Quốc".
Ảnh vệ tinh cơ sở hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Ảnh: 38north.com |
Cũng theo Ngoại trưởng Pompeo, mục tiêu của Mỹ vẫn là phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách lâu dài, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Ông Pompeo cũng cho biết, việc Bình Nhưỡng loại bỏ chương trình hạt nhân sẽ cần tới "sự kiểm chứng chặt chẽ".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc cũng loại trừ khả năng nới lỏng trừng phạt đối với Triều Tiên trong tương lai gần. Theo bà, các biện pháp trừng phạt sẽ được duy trì cho tới khi Triều Tiên có hành động ý nghĩa trên con đường phi hạt nhân hóa.