Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra ở Singapore ngày 12/6

Ngày 10/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra tại "đảo quốc sư tử" Singapore vào ngày 12/6.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) sắp có cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN

Trên mạng cá nhân Twitter, Tổng thống Trump viết: "Cuộc gặp rất được chờ đợi giữa (nhà lãnh đạo) Kim Jong-un và tôi sẽ diễn ra ngày 12/6 tại Singapore. Cả hai chúng tôi sẽ cố gắng đưa sự kiện này trở thành một thời khắc rất đặc biệt vì Hòa bình Thế giới".

Tuyên bố trên được đưa ra 1 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trở về Washington sau chuyến thăm bí mật thứ 2 tới Triều Tiên trong vòng hơn 1 tháng để chuẩn bị cho cuộc gặp chưa từng có tiền lệ này. Theo hãng tin Yonhap, thời gian, địa điểm và
chương trình nghị sự giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Kim Jong-un đã được hai bên nhất trí trong các cuộc gặp của Ngoại trưởng Pompeo với giới chức Triều Tiên.

Tại cuộc gặp với ông Kim Yong Chol, Trưởng Ban Mặt trận thống nhất phụ trách quan hệ liên Triều của Đảng Lao động Triều Tiên, ông Pompeo bày tỏ hy vọng hai nước có thể hợp tác để giải quyết xung đột, loại bỏ các mối đe dọa đối với thế giới cũng như giúp đất nước Triều Tiên có được tất cả cơ hội "mà người dân xứng đáng được hưởng".

Về phần mình, ông Kim Yong Chol cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ đóng một vai trò lớn và quan trọng trong việc thiết lập hòa bình-ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.


Trong khi đó, phương tiện truyền thông Mỹ dẫn lời giới chức cấp cao Nhà Trắng cho biết công tác chuẩn bị đã hoàn tất các khâu cuối cùng và chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ liên quan tới “nhiều vấn đề”.


Theo hãng tin Bloomberg, Tổng thống Trump bước vào cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này với hy vọng đạt được một thảo thuận với Triều Tiên về “phi hạt nhân hóa”. Ông Trump bày tỏ lạc quan và tin tưởng hội nghị sẽ thành công, sau khi ông lên tiếng hoan nghênh những bước đi bày tỏ thiện chí của người đồng cấp Kim Jong-un hướng tới giải quyết cuộc tranh cãi dai dẳng liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.

Hãng thông tấn AP dẫn tuyên bố của Tổng thống Trump khẳng định: "Vấn đề rút binh sỹ Mỹ khỏi Hàn Quốc sẽ không được đặt lên bàn thảo luận". Tuyên bố trên được cho là ám chỉ tới những thông tin trên tờ "Thời báo New York" ngày 3/5 nói rằng Nhà Trắng đang cân nhắc các phương án giảm lực lượng đồn trú của Mỹ tại Hàn Quốc. Theo bài báo, việc giảm số lượng binh sĩ không phải là một "quân bài mặc cả" trong cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.

Liên quan nội dung này, trong một tuyên bố mới đây, tân Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định ông chủ Nhà Trắng chưa chỉ thị Bộ Quốc phòng "chuẩn bị các phương án giảm số lượng binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc", nơi Mỹ đang bố trí khoảng 28.500 quân.


Ngoài ra, chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến cũng đề cập tới việc Washington nới lỏng trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.


Đây là cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa một nhà lãnh đạo Triều Tiên với một Tổng thống đương nhiệm của Mỹ. Trước đây, các cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và
Jimmy Carter từng tới Bình Nhưỡng sau khi rời Nhà Trắng. Vào năm 2000, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright cũng có chuyến công du Triều Tiên để gặp cố lãnh đạo Kim Jong Il.

Cuộc gặp Thượng đỉnh tại Singapore giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra trong bối cảnh Bán đảo Triều Tiên đang đón nhận nhiều chuyển biến khởi sắc, nhất là sau khi ông Kim Jong-un tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa từ tháng 5, ra lệnh đóng cửa bãi thử hạt nhân quan trọng ở miền Bắc nước này, qua đó giúp khởi động hàng loạt tiến triển ngoại giao.

H
ôm 27/4 vừa qua, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại Nhà Hòa bình trong làng đình chiến Panmunjom nằm giữa hai miền. Sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh liên Triều này
, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ký Tuyên bố chung Panmunjom, trong đó hai bên cam kết sẽ ra tuyên bố kết thúc chiến tranh trong năm nay.

Xem khoảnh khắc lịch sử lãnh đạo liên Triều gặp nhau tại khu DMZ ngày 27/4:



Tuyên bố chung nêu rõ Hàn Quốc và Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung trong việc giải trừ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên; tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán 3 bên, bao gồm hai miền Triều Tiên và Mỹ, hoặc cơ chế đàm phán 4 bên, bao gồm cả Trung Quốc, để tiến tới chính thức ký hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và xây dựng nền hòa bình vững chắc, lâu dài. Hai bên cũng nhất trí triển khai các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, nối lại các chuyến đoàn tụ cho những gia đình bị ly tán bởi chiến tranh và xúc tiến việc tổ chức chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in đến Bình Nhưỡng vào cuối năm nay.

Kết quả thành công vượt mọi mong đợi của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều nói trên báo hiệu nhiều tín hiệu tích cực cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Triều Tiên và Mỹ, nước giữ vai trò then chốt đối với hòa bình và ổn định tại Bán đảo Triều Tiên suốt 65 năm qua

Trong 2 tháng qua, sự kiện lịch sử này đang trở thành tâm điểm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận không chỉ tại khu vực Đông Bắc Á mà còn trên toàn thế giới, làm dấy lên hy vọng về một trang sử mới trên Bán đảo Triều Tiên - một giai đoạn của hòa giải, hòa bình hợp tác và phát triển. 
Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Thủ tướng Đức Merkel: Châu Âu không còn phụ thuộc vào ô an ninh của Mỹ
Thủ tướng Đức Merkel: Châu Âu không còn phụ thuộc vào ô an ninh của Mỹ

Ngày 10/5, trong một phát biểu dường như báo hiệu những rạn nứt nhất định trong quan hệ đồng minh, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Châu Âu không còn phụ thuộc vào sự bảo vệ của Mỹ nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN