Trong báo cáo thường niên năm 2016 của NATO công bố ngày 13/3, TTK Stoltenberg nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì sức mạnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Trong suốt gần 70 năm qua, quan hệ đối tác đặc biệt giữa châu Âu và Bắc Mỹ đã đảm bảo hòa bình và thịnh vượng cho cả 2 bờ Đại Tây Dương.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) gặp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 20/2. Ảnh:AFP/TTXVN |
Do đó, trong năm 2017, các nước cần tăng gấp đôi nỗ lực nhằm duy trì động lực tích cực cũng như thúc đẩy các nỗ lực quốc gia trong việc duy trì các cam kết đối với tổ chức này.
Trong thời gian gần đây, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần thúc ép các nước đồng minh NATO thực hiện cam kết dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm cho quốc phòng đến năm 2024. Tuy nhiên, báo cáo hàng năm của NATO cho biết chỉ 5 nước gồm Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ba Lan và Estonia, đáp ứng cam kết này, trong khi Washington vẫn đóng góp gần 70% chi tiêu quốc phòng cho NATO.
Dư luận cho rằng việc đáp ứng mục tiêu 2% đề ra có thể gây ra quan ngại ở châu Âu. Đơn cử như Đức, hiện tăng trưởng GDP của nước này đạt 1,2%, song tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% sẽ khiến ngân sách quốc phòng của Berlin ngang với mức của Nga là khoảng 65 tỷ euro (khoảng 60,45 tỷ USD).
Năm 2016, chi tiêu quốc phòng của NATO tăng 3,8% tức khoảng 10 tỷ USD.