Ông Jens Stoltenberg cho biết ông đã nêu rõ với giới lãnh đạo Kosovo rằng "các bước đi đơn phương như vậy không giúp ích gì", đồng thời cảnh báo "NATO sẽ phải xem xét lại mức độ cam kết của liên minh này, nhất là đối với lĩnh vực xây dựng năng lực", nếu Kosovo triển khai các kế hoạch trên. Lâu nay NATO đã cung cấp huấn luyện, cố vấn cũng như giúp Kosovo xây dựng lực lượng an ninh.
Cảnh sát Kosovo. Ảnh:AFP/TTXVN |
Cùng ngày, một tuyên bố của sứ quán Mỹ cũng cảnh báo "sẽ đánh giá lại sự hợp tác song phương cũng như những hỗ trợ lâu nay đối với các lực lượng an ninh của Kosovo" nếu Kosovo thông qua luật đề xuất trên.
Trước đó, người đứng đầu chính quyền Kosovo Hashim Thaci đã trình dự thảo luật lên cơ quan lập pháp đề nghị thông qua kế hoạch thành lập quân đội chính quy. Tuy nhiên, động thái trên ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của giới chức Serbia, cho đến nay không công nhận độc lập của vùng lãnh thổ này và tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp chính trị để ngăn chặn kế hoạch thành lập quân đội của Kosovo.
Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập tách khỏi Serbia từ năm 2008. Mặc dù được hơn 100 quốc gia trên thế giới công nhận độc lập, nhưng Kosovo vẫn chưa phải là thành viên của Liên hợp quốc. Cho đến nay, Serbia kiên quyết không công nhận Kosovo là nhà nước độc lập và phản đối vùng lãnh thổ này trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế. Đầu tháng 2 vừa qua, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tới Kosovo kêu gọi vùng lãnh thổ này và Serbia sớm bình thường hóa quan hệ. Nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Serbia và Kosovo được coi là yếu tố cần thiết nếu cả hai bên muốn theo đuổi quan hệ gần gũi hơn với Liên minh châu Âu (EU).