Tàu USS Coronado trên Biển Đông ngày 1/2. Ảnh: Reuters |
Theo giới chuyên gia, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, quân đội Trung Quốc với lực lượng hải quân và không quân có thể phá hoại dòng vận chuyển thương mại tự do qua khu vực và buộc các nước khác trong khu vực phải công nhận sự thống trị (phi pháp) của Trung Quốc trên Biển Đông.
Do đó, Mỹ có một số lựa chọn hành động nhất định: Một là, tận dụng các nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn Trung Quốc thông qua việc thiết lập một tổ chức an ninh tập thể, tương tự như Tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) đã ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, lựa chọn này cũng có nguy cơ khiến Bắc Kinh coi nỗ lực ngoại giao này là nhằm cô lập Trung Quốc trong việc ngăn chặn công khai và đáp trả theo nhiều cách với nhiều phương tiện. Ngoài ra, lựa chọn này cũng có nguy cơ gặp thất bại ngay lập tức nếu các đối tác có vai trò quan trọng tới sự thành công của tổ chức an ninh tập thể không tham gia, đặc biệt là Australia, Phillippines, Singapore và Indonesia.
Lựa chọn này cũng có thể sẽ lỗi thời nếu Trung Quốc hoàn thiện việc xây dựng và đóng quân trên các hòn đảo nhân tạo xây dựng trái phép nhằm khẳng định quyền thống trị hoàn toàn trên Biển Đông trước khi liên minh kịp đối trọng với Trung Quốc.
Hai là, sử dụng một ý tưởng đa lĩnh vực. Mỹ và các nước đồng minh sẽ tạo dựng thách thức chống tiếp cận đối với Trung Quốc dọc theo chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai để loại bỏ những lợi thế chiến đấu và chiến thuật của các căn cứ của Trung Quốc trong khu vực.
Toàn bộ khu vực duyên hải của Trung Quốc rất dễ bị tổn thương trước khu vực chống tiếp cận này. Nguy cơ chính của lựa chọn này là có thể kích động một cuộc leo thang toàn diện. Một nguy cơ khác nữa là mất quyền tiếp cận với các căn cứ tại các nước trong khu vực, điều này sẽ khiến lựa chọn trên không thể thực hiện được.
Ngoài ra, việc huy động đủ nhân lực hỗ trợ cho chiến lược chống tiếp cận sẽ đòi hỏi sự tham gia của phần lớn nguồn lực có hạn của Mỹ như phòng không và hỏa lực phối hợp tầm xa.