Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP tại trụ sở của NATO ở Brussels, Bỉ, ông Stoltenberg nêu rõ ông kêu gọi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngồi tìm giải pháp vì điều quan trọng đối với liên minh là các nước thành viên có thể phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là trong khu vực này do Thổ Nhĩ Kỳ có một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại phiên họp Hội đồng Nghị viện NATO tại thủ đô Bucharest (Romania) ngày 9/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một thành phần chủ chốt trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và Mỹ chủ yếu sử dụng căn cứ không quân Incirlik, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, để tiến hành các cuộc không kích phiến quân IS ở Syria và Iraq.
Căng thẳng bùng phát trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul vì nghi ngờ liên quan đến giáo sĩ mà Ankara cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính bất thành ở nước này năm ngoái. Động thái này dẫn đến việc Mỹ ngày 8/10 tạm ngưng dịch vụ cấp thị thực không định cư cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và vài giờ sau đó Ankara cũng đưa ra biện pháp tương tự đối với công dân Mỹ.
Theo ông Stoltenberg, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang có những tiếp xúc trực tiếp với nhau và tìm cách giải quyết tranh cãi.
Về vấn đề Triều Tiên, ông Stoltenberg cho rằng sự can thiệp quân sự chống Triều Tiên sẽ gây ra “hậu quả tai hại”, do đó “cần tiếp tục thúc đẩy một giải pháp thông qua đàm phán”.
Tổng thư ký NATO đưa ra phát biểu trên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các nỗ lực ngoại giao đối với Triều Tiên đã thất bại. Theo ông Stoltenberg, Mỹ có quyền tự vệ và bảo vệ các đồng minh, song cần nỗ lực chung nhằm tăng cường sức ép đối với Triều Tiên thay vì tìm kiếm một giải pháp quân sự. Ông cũng khẳng định NATO không có bất kỳ kế hoạch hiện diện quân sự nào tại Bán đảo Triều Tiên và cũng không nhận được yêu cầu từ Nhật Bản và Hàn Quốc về việc này.
Liên quan vấn đề trên, cùng ngày 13/10, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Đan Mạch Anders Samuelsen đã có cuộc hội đàm song phương tại Seoul thảo luận về tình hình căng thẳng hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên
Theo thông cáo báo chí chung đưa ra sau cuộc hội đàm, hai ngoại trưởng đã "lên án mạnh mẽ" việc Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế các hành động khiêu khích và tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Hai ngoại trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho đối thoại.