Xe quân sự Mỹ được triển khai tại làng Yalanli, ngoại ô thành phố Manbij, Syria ngày 5/3/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng với lãnh đạo ba nước thuộc khu vực Baltic đang ở thăm thủ đô Washington, Tổng thống Trump khẳng định: “Tôi muốn đưa quân đội Mỹ về nước”. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ chính của Mỹ tại Syria là xóa sổ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mỹ gần như đã hoàn thành sứ mệnh.
Đây không phải lần đầu tiên "ông chủ Nhà Trắng" thông báo ý định này. Tổng thống Trump đã nhiều lần phàn nàn về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria. Trong bài phát biểu tại bang Ohio hồi tuần trước, ông cũng từng tuyên bố Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria trong thời gian "rất sớm".
Truyền thông Mỹ cho biết cách đây ít ngày, Tổng thống Trump cũng đã yêu cầu ngừng khoản viện trợ trị giá hơn 200 triệu USD cho các quỹ hỗ trợ tái thiết tại Syria. Theo ông Trump, Mỹ đã tiêu tốn 7 tỷ USD cho khu vực Trung Đông trong suốt 17 năm qua, nhưng "chẳng mang lại gì, ngoài chết chóc và sự tàn phá".
Tuy nhiên, ý định của Tổng thống Trump vấp phải sự phản đối của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, cũng như giới chức quân đội Mỹ.
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cảnh báo việc Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ dẫn tới sự trỗi dậy trở lại của nhóm IS tại khu vực. Ông Graham - thành viên của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh nếu Tổng thống Donald Trump quyết định rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria, đó sẽ là "quyết định tồi tệ nhất" của Tổng thống.
Theo Thượng nghị sĩ này, hiện vẫn còn hơn 3.000 tay súng IS hoạt động tại Syria và nếu Mỹ rút quân sẽ tạo điều kiện để IS quay trở lại, kéo theo đó là một loạt tác động như xung đột leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, hay Iran gia tăng ảnh hưởng tại Syria.
Mỹ hiện duy trì một lực lượng 2.000 quân ở miền Đông Syria với nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng đối lập tại địa phương truy quét các tay súng IS và ngăn không cho cuộc xung đột tại Syria lan rộng.