Theo Hurriyet, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã có cuộc điện đàm trong ngày 14/12, trong đó, Tổng thống Trump được cho là đã hỏi người đồng cấp Erdogan liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể “tiêu diệt các phần tử IS còn lại nếu chúng tôi rút khỏi Syria được hay không”.
Tổng thống Erdogan được cho trả lời Thổ Nhĩ Kỳ đã quét sạch IS ngay trong chiến dịch quân sự đầu tiên ở miền Bắc Syria trong giai đoạn 2016-2017, và có thể thực hiện lần nữa.
Sau đó, Tổng thống Trump đã chỉ thị Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton hãy “bắt đầu công việc” chuẩn bị rút quân khỏi Syria.
Tổng thống Trump đã khiến nhiều quan chức và đồng minh bất ngờ, khi trong ngày 19/12 ông đưa ra quyết định rút 2.000 binh lính trên bộ của Mỹ khỏi Syria và tuyên bố IS đã bị “đánh bại” ở quốc gia Trung Đông này.
Tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi người đồng cấp Erdogan đe dọa triển khai chiến dịch nhằm vào lực lượng người Kurd, vốn đang đấu tranh chống lại IS với sự hỗ trợ quân sự của Washington.
Nhiều nước phương Tây đã ngay lập tức cảnh báo động thái của Mỹ có thể gây phương hại đến cuộc chiến chống IS và đe dọa những thành quả đạt được ở mặt trận này. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hoan nghênh việc Mỹ rút quân khỏi Syria, cho rằng đây là một quyết định đúng đắn.
Ngày 21/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh quyết định trên của Nhà Trắng, coi đó là một bước quan trọng cho giải pháp chính trị trong cuộc khủng hoảng Syria.
Theo Ngoại trưởng Cavusoglu, Mỹ nên phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ trong hoạt động rút quân, đồng thời cho biết ông và các quan chức khác của Thổ Nhĩ Kỳ đã liên lạc với các đối tác Mỹ "ở nhiều cấp độ khác nhau" về vấn đề này. Ông cũng nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tập trung vào một "giải pháp chính trị" cho tương lai của Syria.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời cảnh báo việc Mỹ rút quân khỏi Syria không nên đồng nghĩa với việc tạo ra "một khoảng trống quyền lực" để các nhóm khủng bố tận dụng. Ông lưu ý Ankara tin rằng IS đã bị đánh bại, nhưng không thể mất cảnh giác vì nhiều tay súng của lực lượng này và các nhóm cực đoan khác sót lại hiện vẫn ẩn náu rải rác trong khu vực.
Trong khi đó, Hà Lan bày tỏ quan ngại, đồng thời cảnh báo kế hoạch của Washington giảm quy mô hiện diện quân sự ở Afghanistan là vội vàng trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn tại đây.
Phát biểu với báo giới ở La Haye ngày 21/12, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld cảnh báo việc Mỹ chấm dứt hiện diện quân sự ở Syria sẽ kéo theo những hệ quả có tác động sâu rộng đối với an ninh khu vực. Bà nhấn mạnh IS chưa bị đánh bại hoàn toàn và mối đe dọa vẫn còn tồn tại.