Tổng thống Erdogan: NATO phải chọn Thổ Nhĩ Kỳ hoặc khủng bố

Ngày 14/10, trong một tuyên bố cứng rắn gửi đồng minh NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố NATO phải chọn Thổ Nhĩ Kỳ hoặc khủng bố.

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thể hiện quan điểm cương quyết với NATO. Ảnh: Anadolu Agency

Tổng thống Erdogan được dẫn lời nêu rõ Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên có lực lượng lớn thứ 2, đã không hỗ trợ Ankara trong chiến dịch quân sự tại Syria.

Phát biểu với báo giới trước khi lên đường đi thăm Azerbaijan, nhà lãnh đạo Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai các kế hoạch của nước này đối với thị trấn Manbij ở miền Bắc Syria và tái định cư người Arab tới đó. Ông cũng đánh giá việc Mỹ rút khoảng 1.000 binh sĩ khỏi Đông Bắc Syria là một bước đi tích cực.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm ông không thấy rắc rối nào phát sinh tại thị trấn Kobani của Syria, sau khi Chính quyền Damascus triển khai binh lính tới khu vực biên giới này.

Cùng ngày, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Erdogan, ông Gulnur Aybet, cũng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ “quyết tâm” triển khai Chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" tại miền Bắc Syria nhằm xóa sổ các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và Đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại khu vực biên giới, đồng thời đảm bảo việc hồi hương an toàn người tị nạn Syria.  

Chú thích ảnh
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bao vây thị trấn Ras al-Ain tại biên giới Đông Bắc Syria. Ảnh: metro.co.uk

Ngày 14/10, truyền thông khu vực đưa tin quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm quyền kiểm soát các thị trấn chiến lược Ras al-Ayn, Tal Abyad và hàng chục ngôi làng xung quanh từ tay lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria. 

Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng nước này cho biết, đầu giờ chiều 12/10, các lực lượng vũ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào và kiểm soát trung tâm Ras al-Ayn. Bộ trên xác nhận “khu trung tâm Ras al-Ayn đã nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ”. Đây là thắng lợi lớn đầu tiên của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi mở chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” tấn công các nhóm người Kurd ở Syria.

Theo Anadolu, các lực lượng đối lập Syria được Ankara hậu thuẫn cùng ngày cũng đã kiểm soát tuyến quốc lộ huyết mạch M-4 tại Đông Bắc Syria, kết nối các thị trấn Manbij và Qamishli. Ngoài ra, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho hay các đơn vị mũi nhọn của Thổ Nhĩ Kỳ đã cô lập và chia cắt thành phố Hassakeh với Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria.

Theo truyền thông khu vực, sức kháng cự của các tay súng người Kurd là không đáng kể và sau 6 ngày phát động chiến dịch, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm nổi dậy đồng minh Quân đội Quốc gia Syria (tiền thân là Quân đội Syria Tự do) đã kiểm soát một dải biên giới khá rộng ở Đông Bắc Syria.

Chú thích ảnh
Quân đội Syria tham chiến. Ảnh: In-Cyprus

Trước tình hình chiến sự leo thang và đối mặt với cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, các lực lượng người Kurd đã đề nghị quân chính phủ Syria giúp đỡ. Ngày 13/10, truyền thông nhà nước Syria đưa tin quân đội nước này đã được triển khai lên các tỉnh phía Bắc để chặn đứng bước tiến của quân Thổ Nhĩ Kỳ, 5 ngày sau khi Ankara mở chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình”.

Một quan chức cấp cao giấu tên của các lực lượng người Kurd xác nhận Chính phủ của Tổng thống Bashar al Assad và người Kurd đã đạt được một thỏa thuận, theo đó quân đội Syria sẽ triển khai trên toàn tuyến biên giới của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo hãng thông tấn SANA, quân đội Syria đã quyết định tham chiến khi điều động binh sĩ tới đương đầu với "cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ" ở miền Bắc đất nước, đánh dấu một bước leo thang mới tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm liên quan tới "điểm nóng" này ở Trung Đông.

Sáng 14/10, hãng thông tấn nhà nước Syria SANA đưa tin các lực lượng Chính phủ Syria đã tiến vào thị trấn Tal Tamr nhằm ngăn chặn chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Cư dân Tal Tamr, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 20km và cách thị trấn đã thất thủ Ras al-Ayn 35 km về phía Đông Nam, đã hoan nghênh quân chính phủ.

Chú thích ảnh
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd ở Đông Bắc Syria ngày 9/10/2019. Ảnh do Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp: THX/TTXVN

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự phản đối và chỉ trích mạnh mẽ của dư luận quốc tế, trong đó có cả các đồng minh của Ankara trong NATO. Mỹ hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch và đe dọa sẽ có đòn trừng phạt "hủy diệt kinh tế" nếu chiến dịch tiếp tục leo thang. 

Người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) Maja Kocijancic cảnh báo chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảo ngược mọi hy vọng đạt tiến triển để hướng tới chấm dứt xung đột tại Syria.

Bộ Ngoại giao Pháp, Hà Lan, Đan Mạch đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở nước mình để bày tỏ sự phản đối, thậm chí Paris và Amsterdam còn đình chỉ các thương vụ vũ khí bán cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu) bày tỏ lo ngại nguy cơ thanh trừng sắc tộc người Kurd.

Các ngoại trưởng của Liên đoàn Arab (AL) đã lên kế hoạch họp khẩn vào ngày 11/10 để thảo luận "cuộc tấn công không thể chấp nhận được nhằm vào chủ quyền của một quốc gia thành viên AL".

Các nguồn tin ngoại giao ngày 10/10 cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đang xem xét một văn bản do Mỹ soạn thảo, trong đó kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ trở lại với giải pháp ngoại giao.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Tổng thống Erdogan: NATO phải chọn Thổ Nhĩ Kỳ hoặc khủng bố
Tổng thống Erdogan: NATO phải chọn Thổ Nhĩ Kỳ hoặc khủng bố

Ngày 14/10, trong một tuyên bố cứng rắn gửi đồng minh NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố NATO phải chọn Thổ Nhĩ Kỳ hoặc khủng bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN