Chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” – canh bạc của Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã khai hỏa chiến dịch quân sự quy mô lớn ở phía Bắc Syria, nhằm vào Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu, vốn là đồng minh với các lực lượng của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở khu vực.
Trước đó một ngày, binh sĩ Mỹ đã rút khỏi vùng Đông Bắc Syria theo lệnh của Tổng thống Donald Trump. Quyết định rút quân này đã khiến cho người Kurd tức giận, vì cho Mỹ đang “bật đèn xanh” cho hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ và vứt bỏ đồng minh từng hợp tác chống khủng bố. Lực lượng SDF cảnh báo việc Mỹ rút quân nói trên gây nguy cơ tạo ra một khoảng trống an ninh, đảo ngược hiệu quả trong cuộc chiến chống IS.
Về phần mình, Washington khẳng định không hỗ trợ cho chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và đe dọa sẽ “xóa sổ” nền kinh tế quốc gia Trung Đông nếu như chiến dịch quân sự của nước này đi quá giới hạn tại Syria. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin ngày 11/10 cho biết Tổng thống Trump đã cho phép các quan chức phác thảo các lệnh trừng phạt “rất nặng nề” nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên Washington chưa “kích hoạt” các biện pháp này vào thời điểm hiện nay.
Hãng tin Anadolu cho biết tính đến ngày thứ 3 triển khai chiến dịch, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát được thêm 2 ngôi làng ở khu vực biên giới. Bộ Quốc phòng nước này thông báo 228 phiến quân đã bị tiêu diệt trong 3 ngày. Ở mặt trận khác, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành pháo kích các mục tiêu ở gần thị trấn Tel Abyad. Một điểm đóng quân của binh lính Mỹ gần biên giới phía Bắc Syria đã bị trúng pháo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện Ankara đang là tâm điểm hứng chịu chỉ trích từ cộng đồng quốc tế vì mối lo ngại thổi bùng căng thẳng Trung Đông, liên quan đến những nguy cơ mới về khủng hoảng nhân đạo trong khu vực cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo số liệu mới được Liên hợp quốc công bố, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria có thể sẽ khiến 100.000 người rời bỏ nhà cửa. Ngay trong ngày đầu tiên Ankara mở chiến dịch quân sự, đã có khoảng 64.000 người được sơ tán khẩn cấp.
Đề cập đến nỗ lực chống khủng bố, các chuyên gia nhận định chiến dịch "Mùa xuân hòa bình" có thể dẫn đến việc một số lượng lớn tay súng IS sẽ trốn thoát rồi tự tái lập nhóm ở Syria hoặc Iraq. Thậm chí, khu vực có thể sớm phải chứng kiến một làn sóng khủng bố trỗi dậy mạnh mẽ. Một quan chức SDF xác nhận 5 thành viên IS đang bị giam giữ đã nỗ lực trốn thoát khỏi một trại giam do người Kurd kiểm soát sau khi cuộc pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ đánh trúng khu vực hôm 11/10.
Giới quan sát cho rằng chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” là một canh bạc lớn của Tổng thống Erdogan. Nhà lãnh đạo nước này buộc phải xuất quân cờ thật thận trọng trong những bước đi tiếp theo. Bằng không, ông sẽ phải một mình gánh chịu trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, cũng như phải đối mặt với các lệnh trừng phạt tiềm tàng từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Tín hiệu lạc quan từ vòng đám phán thứ 13
Sau vòng đàm phán cấp cao kéo dài hai ngày ở thủ đô Washington DC, ngày 11/10, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một phần của thỏa thuận thương mại đáng kể về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính và mua bán nông sản lớn.
Mỹ đã quyết định hoãn kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/10 tới, trong khi Trung Quốc đã đồng ý mua 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ.
Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng sau khi kết thúc cuộc đàm phán thương mại song phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định hai bên đang tiến tới rất gần một thỏa thuận chấm dứt tranh cãi thương mại và khoảng 5 tuần nữa sẽ có được một thỏa thuận bằng văn bản. Hai bên đồng ý sẽ tiếp tục thảo luận về các vấn đề còn tồn đọng như quyền sở hữu trí tuệ, thao túng tiền tệ, thông tin-an ninh mạng, cơ chế thực thi. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ không đề cập gì đến việc thay đổi kế hoạch áp thuế bổ sung đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12 tới.
Những tiến bộ đạt được trong cuộc đàm phán tuần qua được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho một thỏa thuận quy mô lớn hơn mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tổ chức ở Chile vào tháng 11.
Vòng đàm phán thương mại thứ 13 kết thúc có thể nói rằng cả Bắc Kinh và Washington đều tạm hài lòng với kết quả khiêm tốn, đủ để giữ lại niềm tin cho các vòng đàm phán khó khăn và toàn diện hơn về sau. Tuy nhiên, cho dù có lạc quan, vẫn không thể phủ nhận rằng chặng đường để cả Mỹ và Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn xung đột thương mại vẫn còn rất dài vì vẫn còn rất nhiều khó khăn. Kênh CNN dẫn lời giới chức Mỹ cho hay dù hai bên đã nỗ lực, song chỉ đi tới được thỏa thuận một phần mang tính sơ bộ chứ chưa thể lập tức rút ngắn các khác biệt để đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện.