Theo hãng tin Reuters, sau khi giảm gần 30% giá trị hồi năm ngoái, trong những tháng gần đây, đồng lira dần ổn định và lạm phát giảm. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn nhất Trung Đông - trị giá 766 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như đang dần khôi phục kể từ cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong gần hai thập kỷ. Tuy nhiên, tuần qua, thị trường tiền tệ lại chứng kiến giá trị đồng lira giảm hơn 3% xuống còn 5,9 lira/USD.
Ngày 10/10, dự báo thị trường thể hiện các nhà đầu tư đang lo ngại chiến dịch tại Syria của Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm chậm tiến độ khôi phục kinh tế. Những rủi ro bao gồm tình trạng thâm hụt cao hơn và ngành du lịch bị ảnh hưởng nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sa lầy xung đột quân sự trong một thời gian kéo dài.
Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt là sự quyết tâm mới từ các nghị sĩ cấp cao thuộc đảng Cộng hòa muốn trừng phạt quốc gia Trung Đông vì đã tấn công người Kurd – đồng minh then chốt của Washington trên mặt trận chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham – nhân vật thường lên tiếng bảo vệ quyết định của Tổng thống Donald Trump – ngày 9/10 đã công bố một khung chương trình đề xuất các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ trích quyết định rút quân của Mỹ.
Đề xuất của Thượng nghị sĩ Graham sẽ nhắm mục tiêu tới tài sản của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và các quan chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, áp đặt các hạn chế thị thực và trừng phạt bất cứ ai thực hiện các giao dịch quân sự hoặc hỗ trợ sản xuất năng lượng cho nước này.
Theo kế hoạch của ông Graham, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mở rộng hơn liên quan đến hoạt động mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Nga trong năm nay bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Washington.
“Lệnh trừng phạt mở rộng sẽ làm thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và chúng ta sẽ phải tính đến khả năng suy thoái mới trong tình hình nền kinh tế mong manh sau cuộc khủng hoảng năm 2018”, Reuters dẫn lời ông Ulrich Leuchtmann – người đứng đầu Viện nghiên cứu FX thuộc Ngân hàng thương mại Frankfurt (Đức) – nhận định.
Hiện chưa rõ liệu Quốc hội hay Tổng thống Donald Trump sẽ ủng hộ các đề xuất trừng phạt của nghị sĩ Graham hay không. Đầu tuần qua, trong một tuyên bố, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo sẽ “xóa sổ” nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ làm bất kỳ hành động nào vượt quá giới hạn tại Syria. Tuy nhiên, ông Trump không nêu rõ giới hạn đó là gì.
Một quan chức ngân hàng cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho hay: “Mối quan hệ của chúng ta với Mỹ hiện nay vẫn rất khó phán đoán”. Ông này nhấn mạnh thêm vấn đề này sẽ tiếp tục được quan tâm cho đến khi Tổng thống Erdogan gặp mặt đàm phán với người đồng cấp Trump tại Mỹ vào ngày 13/11 tới.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Syria, có tên gọi “Mùa xuân hòa bình”, đã gây ra căng thẳng mới nhất trong mối quan hệ của Mỹ với đồng minh NATO.
Áp đặt thêm các lệnh trừng phạt có thể gây ra phản ứng dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một bài phát biểu hôm 9/10, Tổng thống Erdogan đã khơi dậy tinh thần dân tộc từ công chúng chống lại các nước phương Tây khi chỉ trích Ankara xâm lược Syria.
“Ngay bây giờ, lòng nhiệt thành của những người theo chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ đang sục sôi. Nếu như được thông qua, các lệnh trừng phạt từ Mỹ sẽ chỉ càng làm cho người dân Ankara tin rằng đó là quyết định đúng đắn khi muốn kết thân hơn với Nga (qua việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa). Dù Tổng thống Trump có thông cảm với Thổ Nhĩ Kỳ đi chăng nữa thì phần còn lại của Washington đều có quan điểm thù địch”, Galip Dalay – một học giả thuộc Đại học Oxford – kết luận.