Thông qua một quan chức tình báo người Kurd ở Iraq và quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc, tờ Newsweek cho biết, Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ hoạt động trên đồi Mashtenour ở thành phố Kobani đã hứng chịu hỏa lực từ lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” chống lại các chiến binh người Kurd được Mỹ hậu thuẫn nhưng bị Ankara coi là tổ chức khủng bố.
Thay vì bắn trả, Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ đã rút lui khi cuộc pháo kích chấm dứt. Tờ Newsweek trước đó cho biết, những quy tắc hiện tại về sự tham gia của các lực lượng Mỹ tại Syria vẫn tập trung vào phòng vệ và không có lệnh nào được Lầu Năm góc ban hành để rút hoàn toàn binh sĩ khỏi Syria.
Quan chức Lầu Năm Góc cho rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ nên nắm được vị trí của binh sĩ Mỹ để tránh nã hỏa lực. Quan chức này không nói rõ chính xác số lượng lính Mỹ hiện diện, nhưng cho biết chỉ là"số lượng nhỏ dưới cấp đại đội", tức có khoảng từ 15 đến 100 quân.
Video những thường dân Kurd đầu tiên thiệt mạng do chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Qamishli hôm 10/10 (Nguồn: Ruply)
Đáp lại báo cáo của Newsweek, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố phủ nhận rằng quân đội của họ đã nhắm vào lực lượng Mỹ. Bộ này khẳng định rằng "các tiền đồn biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Nam Suruc đã bị nã pháo từ những ngọn đồi nằm cách một trạm quan sát của Mỹ gần 1.000 mét về phía Tây Nam”.
"Để tự vệ, hỏa lực đối ứng đã được nã nhằm vào các vị trí quân khủng bố tiến hành vụ tấn công. Thổ Nhĩ Kỳ đã không nổ súng vào trạm quan sát của Mỹ", tuyên bố nói thêm. "Tất cả các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện trước khi nổ súng để ngăn chặn bất kỳ tổn hại nào đối với căn cứ của Mỹ. Để phòng ngừa, chúng tôi đã ngừng bắn khi nhận được thông tin từ Mỹ. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ tuyên bố rằng lực lượng Mỹ hoặc liên quân Mỹ đã bị trúng hỏa lực”.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc sau đó đã chứng thực bản báo cáo của Newsweek, khi người phát ngôn - Đại úy Hải quân Brook DeWalt nói rằng "Quân đội Mỹ ở vùng lân cận Kobani đã trúng đạn pháo từ các vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ vào khoảng 9 giờ tối ngày 11/10."
"Các vụ nổ xảy ra trong phạm vi vài trăm mét tại một địa điểm bên ngoài khu vực Cơ chế An ninh và trong khu vực mà người Thổ Nhĩ Kỳ biết là có lực lượng Mỹ", tuyên bố nói thêm, lưu ý rằng không có thương tích xảy ra và lực lượng Mỹ đã rút khỏi Kobani.
“Mỹ vẫn phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria và đặc biệt là các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ bên ngoài khu vực Cơ chế An ninh và tại những khu vực mà người Thổ Nhĩ Kỳ biết lực lượng Hoa Kỳ có mặt", tuyên bố của Người phát ngôn Lầu Năm góc kết luận. "Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tránh các hành động có thể dẫn đến những hành động phòng vệ lập tức."
Trước đó, trong thông báo từ ngày 5/10, Nhà Trắng khẳng định lực lượng Mỹ "sẽ không còn ở trong khu vực trực tiếp" khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu cuộc tấn công vào miền Bắc Syria. Nhưng trong cuộc họp báo hôm 11/10, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley nói rằng binh sĩ Mỹ vẫn ở lại hai tiền đồn nhỏ gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết 50 nhân viên Lực lượng Đặc biệt đã được điều động lại trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ lần đầu hợp tác với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chủ yếu là người Kurd vào năm 2015 để chiến đấu với nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) khi họ ngừng hậu thuẫn cho một phe đối lập Hồi giáo tìm cách lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. SDF đã tỏ ra hiệu quả trong chiến dịch chống IS, và việc Tổng thống Trump quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi khu vực người Kurd bị chỉ trích là một sự phản bội đối với đồng minh người Kurd. Việc các lực lượng Mỹ ở Syria rút quân mở đường cho cuộc xâm lược quân sự của Ankara cũng làm dấy lên mối lo ngại về sự hồi sinh của các phẩn tử khủng bố IS.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là người hậu thuẫn chính cho lực lượng đối lập Syria, gồm chủ yếu là người Arab. Ankara đã huy động khoảng một ngàn chiến binh từ các lực lượng này, cùng với hàng trăm binh sĩ của mình, tiến hành chiến dịch tấn công vào các vùng lãnh thổ đang được quản lý bởi một chính quyền tự trị người Kurd, trải dài khắp phía Bắc và Đông Syria.
Trên thực tế, thực thể tự trị này của người Kurd cũng không được chính quyền trung ương ở Damascus công nhận.
Lầu Năm Góc đã nhiều lần kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng chiến dịch và mặc dù ban đầu Tổng thống Trump ra tín hiệu ủng hộ các kế hoạch của Tổng thống Erdogan, nhưng sau đó ông đã cảnh báo sẽ trừng phạt nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu hành động quân sự của nước này làm bất cứ điều gì "vượt quá giới hạn".
Tổng thống Trump cũng cảnh báo có thể gửi thêm quân tới Syria nếu tình hình không được giải quyết. Hôm 10/10, nhà lãnh đạo Mỹ thông báo trên Twitter rằng ông có "một trong ba lựa chọn: Gửi hàng ngàn quân và giành chiến thắng về quân sự; tấn công Thổ Nhĩ Kỳ về tài chính bằng các lệnh trừng phạt, hoặc làm trung gian hòa giải một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd”.