Người đứng đầu SOHR Rami Abdel Rahman cho biết đây là cuộc sơ tán lớn nhất, hầu hết di chuyển từ các khu vực biên giới phía Đông Ras al-Ain, Tal Abyad và Derbasiyeh ở miền Đông sang thành phố Hasakeh.
Trong khi đó, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (IRC) cảnh báo con số này có thể lên tới 300.000 người.
Cuộc sơ tán diễn ra khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công vào khu vực Đông Bắc Syria ngày 9/10, bất cấp mọi cảnh báo của quốc tế. Sau đợt không kích và pháo kích, bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua biên giới và tấn công vào các thị trấn then chốt trong khu vực. Ankara muốn tạo ra một vùng đệm khoảng 30km sâu trong lãnh thổ Syria, để đưa trở lại khoảng 3,6 triệu người Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn kể từ khi bùng phát cuộc nội chiến năm 2011.
Các tổ chức nhân đạo cảnh báo giai đoạn mới trong cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua ở Syria này có thể một lần nữa gây ra những hậu quả thảm khốc đối với dân thường. Một tuyên bố chung của 14 tổ chức này cho biết: "Khoảng 450.000 người đang sống trong bán kính 5km ở khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ và đang gặp nguy hiểm nếu các bên không kiềm chế tối đa và không ưu tiên bảo vệ dân thường". Tuyên bố cũng cảnh báo một lượng lớn dân thường có thể sẽ không nhận được sự viện trợ sống còn như hiện nay do các cơ quan viện trợ không thể hoạt động hoặc phải tái bố trí chương trình và nhân viên của mình.
Trước đó, phát động chiến dịch Hòa bình Mùa Xuân ngày 9/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết sứ mệnh của chiến dịch là "đem lại hòa bình cho khu vực" và "đẩy lùi các tay súng khủng bố". Chiến dịch vẫn tiếp tục vấp phải sự phản đối của quốc tế. Ngày 10/10, trợ lý của Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết Moskva lo ngại về tình hình tại Đông Bắc Syria dù chia sẻ với những lo ngại về an ninh của Ankara trong khu vực.
Phát biểu với báo giới, bà Ushakov cho biết điều quan trọng là sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria cần được tôn trọng và chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ không nên gây phương hại đến các nỗ lực chính trị nhằm giải quyết cuộc xung đột 8 năm nay tại Syria. Nga hiện đang tham gia một nỗ lực ngoại giao cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ với tiến trình đàm phán Astana về hòa bình Syria.
Trong phản ứng của mình, người Kurd ở Syria kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) có các biện pháp cụ thể nhằm trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Một phái đoàn của Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) - nhánh chính trị của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - đã đến Brussels (Bỉ) để kêu gọi EU triệu hồi đại sứ của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối chiến dịch quân sự của Ankara. Trước đó, EU đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng chiến dịch trên, song chưa có hành động cụ thể nào.