“Chưa có bất kỳ lịch trình nào liên quan đến vấn đề đó để đề cập cả”, người phát ngôn Kirby phát biểu trong cuộc họp báo ngày 17/5 khi được phóng viên hỏi liệu Tổng thống Biden có kế hoạch dự hội nghị này hay không.
Trước đó, Thuỵ Sĩ thông báo đã mời hơn 160 quốc gia tới dự hội nghị phác thảo về một kế hoạch hoà bình Ukraine theo yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 15-16/6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock gần Lucerne. Các phái đoàn tham dự đến từ các nước thành viên G7, G20, BRICS, EU. Tuy nhiên, theo Bern, ở giai đoạn này, Nga không nằm trong danh sách các đoàn được mời. Dẫu vậy, Thuỵ Sỹ vẫn tin rằng một tiến trình hòa bình mà không có Nga là không thể được.
Moskva gọi hội nghị do Thụy Sĩ đề xuất là “vô nghĩa” và cho biết họ sẽ không tham gia, ngay cả khi được mời.
Trái ngược với đề xuất chấm dứt giao tranh của Bắc Kinh, công thức hòa bình 10 điểm của Kiev – được Tổng thống Zelensky đưa ra lần đầu vào mùa thu năm 2022 – yêu cầu lực lượng Nga rút hoàn toàn và vô điều kiện khỏi tất cả các vùng lãnh thổ của Ukraine, Moskva trả tiền bồi thường. Nga đã bác bỏ các đề xuất này vì cho rằng nó không thực tế và là dấu hiệu cho thấy Kiev không sẵn sàng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
Về phần mình, Bắc Kinh – luôn nhấn mạnh các cuộc đàm phán về một nghị quyết hoà bình cho cuộc xung đột Ukraine cần có sự tham gia của Nga – cũng chưa xác nhận sẽ gửi phái đoàn tớiT Thuỵ Sĩ. Trong khi đó, Tổng thống Brazil Lula da Silva tuyên bố ông không thấy có nhiều ý nghĩa trong lần gặp này trừ khi cả hai bên tham gia xung đột đều tham dự sự kiện này, ám chỉ ông sẽ không tham gia. Người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng đã quyết định không tham gia hội nghị thượng đỉnh tại Thuỵ Sĩ.