Trong cuộc trả lời phỏng vấn tại Washington (Mỹ) trước khi lên đường đến Davos (Thụy Sĩ) để tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2024, bà Georgieva cho biết tính chung, gần 40% việc làm trên toàn cầu sẽ chịu tác động của AI, trong đó các nền kinh tế phát triển và một số thị trường mới nổi sẽ chứng kiến 60% việc làm bị ảnh hưởng. Theo bà Kristalina Georgieva, con số này sau đó sẽ giảm xuống 40% với các thị trường mới nổi, và 26% với các nước có thu nhập thấp.
Báo cáo của IMF nêu rõ 50% trong số các việc làm chịu ảnh hưởng của AI sẽ bị tác động tiêu cực, trong khi số còn lại có thể thực sự được hưởng lợi từ sự cải thiện trong năng suất lao động nhờ AI.
Theo IMF, AI ban đầu có ít tác động đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển và khả năng được hưởng lợi từ AI của các nước này cũng thấp hơn. Điều này có thể làm gia tăng sự chênh lệch về kỹ thuật số và sự cách biệt về thu nhập giữa các nước. Cũng theo báo cáo trên, những người lao động lớn tuổi hơn dễ có khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn từ những thay đổi mà AI mang lại.
Bà Georgieva cho rằng cần đưa ra các chính sách phù hợp để có thể giúp giải quyết những lo ngại này, trong đó “cần tập trung hỗ trợ các nước có thu nhập thấp để họ có thể nắm bắt được những cơ hội mà AI sẽ mang lại". Bà khẳng định dù có rủi ro, nhưng AI vẫn là "cơ hội lớn cho tất cả mọi người".