Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 784.779 ca tử vong trong tổng số 48.072.898 ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với 463.852 ca tử vong trong số 34.456.401 ca mắc. Brazil đứng thứ 3 với 611.384 ca tử vong trong số 21.960.766 ca mắc.
Tình hình dịch bệnh tại Lào diễn biến khó lường. Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.306 ca mới, nâng tổng số lên 56.324 ca. Đây là ngày Lào ghi nhận số ca mới cao nhất từ trước tới nay.
Sau hai ngày giảm xuống mức 3 chữ số, ngày 16/11 Lào lại ghi nhận tới 1.290 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 16 tỉnh, thành, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Tại thủ đô Viêng Chăn, số ca cộng đồng cũng gia tăng với 597 ca, đứng đầu cả nước, tăng 305 ca so với ngày 15/11. Đáng chú ý, tỉnh Luang Prabang ghi nhận số ca cộng đồng tăng đột biến với 201 ca mới. Ngoài ra, có thêm 6 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 110 người.
Cũng trong ngày 16/11, Hàn Quốc ghi nhận số bệnh nhân mắc COVID-19 trở nặng ở mức cao chưa từng thấy khi số ca nhiễm mới hằng ngày dao động trên 2.000 ca trong ngày thứ 7 liên tiếp trong bối cảnh các biện pháp chống dịch được nới lỏng.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), Hàn Quốc ghi nhận 2.125 ca mới, trong đó có tới 2.110 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch đến nay đã lên tới 399.591 ca. KCDA cho biết thêm số bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng lên đến mức cao nhất từ trước đến nay là 495 ca, vượt con số cao nhất từng ghi nhận ngày 13/11 (485 ca). Nước này cũng có thêm 22 ca tử vong, nâng số ca bệnh không qua khỏi lên 3.137 ca. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc là 0,79%.
Tại Hàn Quốc, số ca lây nhiễm hàng ngày tăng vọt và số ca mắc bệnh nghiêm trọng xảy ra do hiệu quả vaccine tiêm chủng đã giảm dần đối với những người đã tiêm phòng vào đầu năm nay. Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 2. Chính phủ Hàn Quốc cho biết đang đẩy mạnh việc triển khai tiêm mũi tiêm tăng cường. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Kwon Deock-cheol, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét rút ngắn khoảng cách giữa các mũi vaccine thông thường và mũi tăng cường từ 6 tháng hiện tại xuống còn 5 tháng hoặc ngắn hơn.
Trong khi đó, giới chức Malaysia ngày 15/11 đã chấp nhận đề xuất của Thái Lan về việc mở lại các cửa khẩu Tak Bai và Buke Ta ở tỉnh Narathiwat. Hai cửa khẩu này trước đó đã tạm thời phải đóng cửa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit nhấn mạnh nước này kỳ vọng việc mở trở lại 2 cửa khẩu Tak Bai và Buke Ta sẽ giúp tạo ra doanh thu thương mại ít nhất 600 triệu baht (18,32 triệu USD). Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết chính phủ nước này cũng đang làm việc với giới chức Campuchia để mở thêm các cửa khẩu, bao gồm Tha Sen ở tỉnh Trat và Nong Ian ở tỉnh Sa Kaew.
Tương tự, Chính phủ Indonesia đang xem xét khả năng tham gia vào chương trình "Làn du lịch đã tiêm chủng" để vực dậy ngành du lịch của nước này. "Làn du lịch đã tiêm chủng" là một khái niệm du lịch được nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đưa ra, nhằm cho phép khách du lịch đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 được đi lại giữa các quốc gia tham gia chương trình này.
Chính phủ Indonesia cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng căn cứ vào tình hình đại dịch trong nước và các lượt đến - đi của khách du lịch nước ngoài trong thời gian gần đây trước khi thiết lập bất kỳ thỏa thuận du lịch nào.
Liên quan đến các quy định tiêm vaccine, Chính phủ Italy đã siết chặt quy định thẻ xanh trên các phương tiện giao thông công cộng liên vùng, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở nước này gia tăng. Các Bộ trưởng Y tế và Giao thông Italy ngày 15/11 đã ký một sắc lệnh, trong đó nêu rõ hành khách đi tàu đường dài và liên vùng phải xuất trình thẻ xanh trước khi lên tàu ở các ga trung tâm như Milan Centrale, Rome Termini và Florence S. Maria Novella... Cơ quan y tế và cảnh sát đường sắt được phép cho dừng tàu để tiến hành "các biện pháp can thiệp khẩn cấp" trong trường hợp phát hiện hành khách trên tàu có các triệu chứng liên quan đến COVID-19.
Quy định thẻ xanh không bắt buộc đối với hành khách đi phương tiện giao thông công cộng ở địa phương. Tuy nhiên, sắc lệnh mới quy định taxi chỉ được chở tối đa 2 hành khách ở hàng ghế sau nếu họ không phải là thành viên của cùng một gia đình.
Tại Nhật Bản, nước này đang có kế hoạch sẽ nới lỏng quy định cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J) vào cuối tháng 11 này.
Tuần trước, Nhật Bản bắt đầu triển khai thực hiện kế hoạch mở cửa biên giới theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, quy định cách ly phòng dịch COVID-19 của nước này đối với hành khách nhập cảnh không bao gồm vaccine của J&J.
Liên quan đến vaccine, công ty Emergex của Anh thông báo sẽ sớm thử nghiệm lâm sàng loại vaccine ngừa COVID-19 thế hệ thứ hai, dễ dàng dán vào da, dùng tế bào T để tiêu diệt tế bào nhiễm bệnh và có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài hơn so với các loại vaccine hiện nay.
Theo tờ The Guardian của Anh, Cơ quan Quản lý dược phẩm Thụy Sĩ đã "bật đèn xanh" cho Emergex tiến hành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I ở Lausanne. 26 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm sẽ chia thành hai nhóm sử dụng vaccine với liều lượng khác nhau - liều cao và liều thấp, bắt đầu từ ngày 3/1/2022. Kết quả cuộc thử nghiệm dự kiến được công bố vào tháng 6/2022.
Vaccine tạo tế bào T loại bỏ các tế bào nhiễm bệnh khỏi cơ thể một cách nhanh chóng, qua đó ngăn chặn virus gây bệnh nhân lên. Trong khi các vaccine ngừa COVID-19 hiện nay tạo ra kháng thể dính vào virus và ngăn virus lây sang các tế bào khác, thì tế bào T tìm và tiêu diệt tế bào nhiễm virus. Một số loại vaccine ngừa COVID-19 khác như vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và AstraZeneca cũng tạo ra phản ứng tế bào T, nhưng ở mức độ thấp hơn.
Trong khi đó, Trung Quốc đã công bố một vaccine mới ngừa COVID-19 dạng hít qua đường miệng. Loại vaccine này do chuyên gia tại Viện Quân y thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc và Công ty Công nghệ sinh học CanSino Biologics phát triển.
Theo công ty Cansino Biologics, phản ứng miễn dịch sau khi dùng vaccine mới này cao hơn so với phản ứng miễn dịch với vaccine tiêm vào cơ thể. Loại vaccine mới này sẽ rất thuận tiện cho đối tượng trẻ em vì các em sẽ tránh được nguy cơ bị đau và sưng tấy tại chỗ tiêm như khi sử dụng vaccine thông thường. Ngoài ra, loại vaccine này cũng giúp tiết kiệm nhiên liệu đầu vào, giảm áp lực cho chuỗi sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Vaccine dạng hít có thể giúp tăng đáng kể mức độ sẵn sàng tiêm chủng của người dân, nhất là đối với những đối tượng mắc chứng sợ kim tiêm.
Cùng ngày, hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) thông báo lượng vaccine ngừa COVID-19 do hãng và Đại học Oxford phối hợp phát triển và phân phối trên toàn thế giới đã đạt 2 tỷ liều chỉ chưa đầy 1 năm sau khi được cấp phép.
Theo một tuyên bố chung của AstraZeneca và Đại học Oxford, vaccine của hãng đang được sản xuất tại 15 quốc gia, cung cấp cho hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện AstraZeneca đã trở thành đối tác đóng góp nhiều nhất cho COVAX, cơ chế chia sẻ vaccine do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bảo trợ.