Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 640.181 ca tử vong trong tổng số 37.909.829 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 432.834 ca tử vong trong số 32.295.224 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 570.718 ca tử vong trong số 20.417.204 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 599 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 296 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,4 triệu ca tử vong trong trên 42,2 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có trên 61 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,1 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận trên 977.600 ca tử vong trong trên 66,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có trên 964.300 ca tử vong trong trên 45,3 triệu ca nhiễm. Châu Phi ghi nhận trên 185.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 1.800 người.
Ngày 18/8, Malaysia thông báo ghi nhận thêm 22.242 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất kể từ trước đến nay. Như vậy, cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.466.512 ca. Trong số 13 bang, vùng lãnh thổ, 9 địa phương ghi nhận số ca mắc mới ở mức 4 chữ số và bang Selangor tiếp tục đứng đầu với 6.858 ca. Bang miền Đông Sabah và bang công nghiệp miền Bắc Penang ghi nhận kỷ lục mới khi lần lượt có thêm 2.413 ca và 1.867 ca. Biến thể Delta đang chiếm ưu thế tại quốc gia Đông Nam Á này.
Campuchia ghi nhận thêm 12 ca tử vong và 593 ca mới, gồm 189 ca nhập cảnh và 404 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy tính đến nay, Campuchia có tổng cộng 87.190 ca, trong đó 82.666 người đã hồi phục và 1.730 người tử vong. Tại Phnom Penh, từ nhiều ngày nay, chính quyền thủ đô liên tục phong tỏa các khu vực có ca nhiễm biến thể Delta. Ngày 18/8, thêm hai khu vực bị phong tỏa trong 14 ngày là khu nhà Usanna thuộc làng Samrong Teav và Prey Moul, phường Kraing Thnong, quận Sen Sok.
Cũng trong 24 giờ qua, Philippines có thêm 11.085 ca mắc COVID-19 và 161 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lần lượt là 1,776.495 và 30.623. Bộ Y tế Philippines cho biết số ca mới ghi nhận trong ngày 18/8 giảm là do 9 cơ sở xét nghiệm không gửi kết quả. Hiện thủ đô Manila vẫn là khu vực có số ca mới và số ca đang phải điều trị cao nhất tại Philippines.
Trong khi đó, Lào ghi nhận 381 ca mới, trong đó có 48 ca cộng đồng. Theo Bộ Y tế Lào, thời gian gần đây, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng cao khiến cho các khu vực đỏ trên cả nước tăng trở lại. Đáng chú ý là Savanankhet là tỉnh đang có diễn biến dịch phức tạp khi ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 152 ca, trong đó có tới 44 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, tổng số ca bệnh tại Lào đã lên tới 11.029 ca, trong đó có 9 người tử vong.
Ấn Độ ghi nhận 35.178 ca nhiễm mới và 440 ca tử vong trong 24 giờ qua. Dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ cho thấy nước này đã tiêm 8,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong ngày 16/8, đạt mức kỷ lục và đang tăng tốc tới mục tiêu đến tháng 12 tiêm cho mọi công dân trưởng thành. Ấn Độ hiện là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng lớn nhất thế giới với 554 triệu liều đã được phân phối. Như vậy khoảng 46% trong tổng số 944 triệu người trưởng thành tại Ấn Độ đã được tiêm tối thiểu một liều vaccine. Nhưng chỉ có khoảng 13% dân số nước này đã tiêm đủ 2 liều vaccine.
Tính đến cuối ngày 18/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 23.917 ca mới - con số cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số lên 1.207.309 ca, bao gồm 712 ca trên tàu du lịch Dianmond Princess. Đáng chú ý, riêng trong ngày 18/8, đã có 24/47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản ghi nhận số ca mới trong ngày cao kỷ lục. Số bệnh nhân nặng tiếp tục tăng mạnh với 1.716 ca, tăng 70 ca so với trước đó một ngày. Thủ đô Tokyo ghi nhận 5.386 ca mới, chỉ thấp hơn một chút so với mức kỷ lục được ghi nhận ngày 13/8 vừa qua.
Tại New Zealand, một ngày sau khi Thủ tướng Jacinda Ardern ban bố lệnh phong toả trên quy mô toàn quốc vì dịch COVID-19, nước này đã ghi nhận thêm 6 ca dương tính mới. Bà Ardern xác nhận New Zealand đang phải đối phó với biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh liên quan đến làn sóng dịch bệnh ở Australia.
Thống kê chính thức cho thấy Mỹ đã ghi nhận trên 1.000 ca tử vong trong ngày 17/8, tức là cứ 1 giờ thì có khoảng 42 bệnh nhân không qua khỏi, trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh. Thống kê của hãng tin Reuters cho thấy số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ trong tháng qua và hiện nay ở mức trung bình 769 ca/ngày, mức cao nhất kể từ trung tuần tháng 4. Lần gần nhất Mỹ ghi nhận số ca tử vong theo ngày vượt mốc 1.000 ca/ngày là vào tháng 3.
Trước tình hình này, chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch siết chặt các biện pháp phòng dịch như yêu cầu người dân đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng đến giữa tháng 1/2022. Từ ngày 17/8, người dân thành phố New York bắt đầu phải trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 khi vào các nhà hàng, phòng tập gym và rạp chiếu phim. Chính sách này có hiệu lực tới ngày 13/9. Những người vi phạm sẽ đối mặt với khoản tiền phạt 1.000 USD. Trẻ em dưới 12 tuổi được miễn trừ do không thuộc đối tượng đủ điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Bộ Y tế Cuba thông báo đã ghi nhận 9.764 ca mới trong cộng đồng trong 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày trong 15 ngày, nâng tổng số lên 536.609 ca. Cuba cũng có thêm 68 ca tử vong mới, nâng tổng số ca bệnh không qua khỏi lên mức 4.156 ca. Tỉnh Cienfuego đang là điểm nóng về dịch bệnh tại nước này khi ghi nhận 2.282 ca mới. Tỷ lệ lây nhiễm tại đây là 4.7 ca trên 100.000 dân, cao nhất nước.
Liên quan công tác nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 18/8 thông báo vaccine liều đơn Sputnik Light, do Viện Gamaleya của nước này phát triển, đạt hiệu quả bảo vệ tới 93,5% trong các cuộc thử nghiệm ở Paraguay.
Trích dẫn dữ liệu được Bộ Y tế Paraguay thu thập tới ngày 30/7, RDIF khẳng định vaccine đã cho thấy hiệu quả đối với trên 320.000 người. Việc sử dụng vaccine liều đơn Sputnik Light cho phép Paraguay rút ngắn thời gian tiêm chủng và tăng tốc độ hình thành miễn dịch cộng đồng. Khi lần đầu tiên được phê duyệt sử dụng hồi tháng 5, vaccine Sputnik Light cho thấy hiệu quả bảo vệ 79,4%.