Bệnh viện Mỹ quá tải vì COVID-19, người trúng đạn đợi 10 ngày chưa được phẫu thuật

Dù Joel Valdez không nhập viện vì mắc COVID-19 nhưng anh vẫn hứng trọn ảnh hưởng từ việc hệ thống bệnh viện ở Mỹ đang quá tải. 

Tờ Washington Post đưa tin trong suốt 10 ngày kể từ khi bị bắn 6 phát đạn ở bên ngoài một cửa hàng thực phẩm, Valdez đã nằm im trên giường bệnh tại Bệnh viện Ben Taub ở Houston chờ phẫu thuật. 

“Tôi bị gãy xương, đạn vẫn găm trong người hơn một tuần rồi. Tôi cảm thấy có chút tức giận”, Valdez trả lời kênh KRIV cuối tuần qua. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế thực hiện hô hấp nhân tạo cho một bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Y tế United Memorial tại Houston hồi tháng 12/2020. Ảnh: Reuters

Anh cho biết mình bị trúng 6 viên đạn, trong đó có một vết ở cổ và ba vết ở vai trái cần được phẫu thuật. "Mọi người thực sự ngạc nhiên khi tôi vẫn còn nằm trên giường này một tuần sau đó”, anh kể.
Chiều 16/8, Joel Valdez xác nhận với Washington Post rằng anh vẫn chờ bác sĩ làm phẫu thuật cho mình. 

Tại Bệnh viện Ben Taub nơi Valdez đang chờ phẫu thuật, khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) đã ở mức 103% công suất tính đến sáng 16/8, với 33% bệnh nhân COVID-19. Lyndon B. Johnson, một bệnh viện công khác trong Hệ thống Y tế Harris, cũng trong tình trạng quá tải tương tự, hoạt động ở công suất 94% tại khu ICU và 54% bệnh nhân ở đây là người mắc COVID-19. 

Amanda Callaway, phát ngôn viên của Hệ thống Y tế Harris, trả lời qua thư điện tử rằng để đối phó với tình hình gia tăng ca nhiễm virus SARS-CoV-2, các bác sĩ phải phân tích tình trạng của bệnh nhân và xem xét các ca phẫu thuật trong suốt cả ngày.

Bà Callaway nói thêm do nguồn lực hạn chế, người bệnh cần phẫu thuật đang được ưu tiên dựa trên một số yếu tố và không may có thể dẫn đến sự chậm trễ của các cuộc phẫu thuật không cấp cứu.

Làn sóng lây nhiễm thứ tư do biến thể Delta và việc hàng triệu người Mỹ vẫn chưa được tiêm chủng đang gây sức ép lên công suất hoạt động của các bệnh viện ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như Houston.

Tuần trước, Arkansas báo cáo chỉ còn 8 giường ICU trên toàn bang, còn các quan chức y tế ở Mississippi cảnh báo rằng tình trạng lây nhiễm gia tăng đã đẩy hệ thống bệnh viện bang này đến bờ vực thất bại.

Cuối tuần trước, Thống đốc bang Oregon Kate Brown đã điều động 1.500 Vệ binh Quốc gia tới 20 bệnh viện trong bang để hỗ trợ. Các quan chức ở Louisiana lại cảnh báo rằng một số bệnh viện sẽ sớm quá tải, xe cấp cứu sẽ không thể vận chuyển bệnh nhân.

Thống kê của hãng tin Reuters cho thấy số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ tăng trong tháng qua và hiện nay ở mức trung bình 769 ca/ngày, mức cao nhất kể từ trung tuần tháng 4. Lần gần đây nhất nước Mỹ ghi nhận số ca tử vong theo ngày vượt mốc 1.000 ca/ngày là vào tháng 3 vừa qua. 

Thống kê cũng cho thấy số bệnh nhân COVID-19 nhập viện đã tăng khoảng 70% trong hai tuần qua, gây áp lực lớn cho các bệnh viện. Số ca mắc mới trung bình mỗi ngày trong 12 ngày qua tại Mỹ là trên 100.000 ca, mức cao nhất trong 6 tháng qua. 

Kênh CNBC dẫn số liệu cho thấy 5 bang của Mỹ gồm Florida, Louisiana, Hawaii, Oregon và Mississippi đã ghi nhận mức cao kỷ lục về số ca mắc mới trung bình mỗi ngày trong 7 ngày tính đến cuối tuần qua. Nếu tính theo đầu người, Louisiana, Mississippi và Florida là ba ổ dịch nghiêm trọng nhất nước này. Tại Louisiana, trung bình cứ 100.000 dân thì có 126 ca mắc, gấp 3 lần so với mức trung bình của cả nước. Trong khi đó, tại Mississippi và Florida, tỷ lệ lần lượt là 110 và 101 ca trên 100.000 dân.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Từ bỏ mục tiêu đánh bại, châu Âu chuẩn bị sống chung với COVID-19
Từ bỏ mục tiêu đánh bại, châu Âu chuẩn bị sống chung với COVID-19

Các nước từ Đức cho tới Italy đều đang triển khai một loạt biện pháp như đẩy mạnh tiêm chủng, áp quy định đeo khẩu trang để phòng ngừa làn sóng dịch COVID-19 thứ ba ngay trong mùa đông tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN