Trong 24 giờ qua, khu vực vẫn chỉ có Indonesia, Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Trong ngày, khu vực có 5 nước ghi nhận các ca mắc mới, trong đó Indonesia và Philippines vẫn là những nơi dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Singapore dù số ca dương tính mới hơn 500 người, song số ca tử vong vẫn duy trì ở mức thấp.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.773 người dân ở khu vực này, tăng 47 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 91.204 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 42.942 trường hợp.
Trong vòng 1 ngày qua, Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca tử vong. Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới chính là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với 1.613 người tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 31/5
Quốc gia |
Tổng số ca nhiễm |
Ca nhiễm mới |
Tổng ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Singapore |
34.884 |
+518 |
23 |
|
21.699 |
Indonesia |
26.473 |
+700 |
1.613 |
+40 |
7.308 |
Philippines |
18.086 |
+862 |
957 |
+7 |
3.909 |
Malaysia |
7.819 |
+57 |
115 |
|
6.353 |
Thailand |
3.081 |
+4 |
57 |
|
2.963 |
Việt Nam |
328 |
|
|
|
279 |
Myanmar |
224 |
|
6 |
|
130 |
Brunei |
141 |
|
2 |
|
138 |
Campuchia |
125 |
|
|
|
123 |
Timor-Leste |
24 |
|
|
|
24 |
Lào |
19 |
|
|
|
16 |
Indonesia tiếp tục là ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á. Trong ngày 31/5, quốc gia này ghi nhận tới 40 người tử vong vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên 1.613 trường hợp, nhiều nhất khu vực.
Bộ Y tế Indonesia ngày 31/5 thông báo đã phát hiện 700 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 26.473 trường hợp. Bên cạnh đó, 7.308 trường hợp mắc COVID-19 đã khỏi bệnh và phục hồi.
Quân đội Indonesia (TNI) thông báo đã chế tạo thành công loại mũ bảo hiểm có thể phát hiện những người có triệu chứng bị nhiễm virus corona chủng mới. Giám đốc Trung tâm Y tế Quân đội (Kapuskesad) Indonesia, Thiếu tướng Ratmono cho biết đây là sản phẩm nghiên cứu của đội ngũ nhân viên nghiên cứu thuộc Kapuskesad.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát hiện nay, Kapuskesad được giao nhiệm vụ phối hợp cùng với các đơn vị khác của TNI đưa ra các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Nghiên cứu chế tạo ra “mũ bảo hiểm thông minh” là một trong nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Kapuskesad để giúp TNI cùng chính phủ ngăn chặn dịch bệnh.
Thiếu tướng Ratmono cho biết thêm trước mắt “mũ bảo hiểm thông minh sẽ được phân phối cho 5 đơn vị chủ lực thực hiện phòng chống đại dịch COVID-19 của chính phủ theo sự chỉ đạo của Tổng tham mưu trưởng TNI Andika Perkasa. Thời gian tới, Kapuskesad sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nhiều hơn để trang bị cho tất cả lực lượng của TNI và thậm chí sẽ tính đến việc xuất khẩu sản phẩm này ra thị trường ngoài nước.
Trong 24 giờ qua, Philippines là quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận nhiều ca COVID-19 nhất.
Ngày 31/5, Bộ Y tế Philippines (DOH) đã xác nhận 862 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Đông Nam Á này lên thành 18.086 người, trong đó có 957 trường hợp tử vong (tăng 7 ca so với 1 ngày trước đó).
Bản tin hàng ngày của DOH cũng thông báo về 101 ca hồi phục sức khỏe mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 được điều trị thành công ở Philippines lên thành 3.909 người.
Theo DOH, 244 ca bệnh mới được phát hiện ở khu vực Metro Manila, 81 ca ở khu vực Trung Visayas thuộc miền Trung Philippines, và 302 ca ở các khu vực khác trên toàn quốc. Bên cạnh đó, 235 công nhân Philippines hồi hương cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến nay, Chính phủ Philippines đã sơ tán hơn 25.000 công nhân của quốc gia Đông Nam Á này về nước do đại dịch COVID-19.
Hãng hàng không quốc gia Philippines (PAL) sẽ khôi phục một số các chuyến bay nội địa và quốc tế bắt đầu từ ngày 1/6 sau hơn 2 tháng tạm ngừng hoạt động, nhưng chủ yếu là đối với các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Manila của nước này.
Các chuyến bay quốc tế sẽ gồm các chặng bay tới Mỹ, Canada, Guam (Mỹ), Việt Nam, Trung Quốc lục địa, Malaysia, Indonesia, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar và Saudi Arabia. PAL cũng cân nhắc việc khôi phục một số chuyến bay nhất định tới London (Anh) và Sydney (Australia) trong tháng 6/2020.
Ngày 31/5, Bộ Y tế Singapore cũng xác nhận 518 ca mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc đảo này lên 34.884 người.
Theo tuyên bố của bộ trên, tuyệt đại đa số những ca dương tính với virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện ở Singapore là người lao động nhập cư sống trong những khu nhà tập thể.
Tuy nhiên, tới nay Singapore vẫn thành công trong việc điều trị, qua đó giữ số ca tử vong ở mức thấp với chỉ 23 trường hợp không qua khỏi.
Tại Malaysia, phát biểu trong cuộc họp báo hằng ngày về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp, Tổng Giám đốc Y tế Malaysia Hisham Abdullah cho biết, trong ngày 31/5, quốc gia Đông Nam Á này phát hiện 57 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm bệnh lên 7.819 người, trong đó bao gồm 115 người tử vong.
Theo ông Noor Hisham Abdullah, trong số 57 ca mới bị phát hiện có 10 ca nhập khẩu và trong số 47 ca nhiễm trong cộng đồng có 43 ca là người nước ngoài, chỉ có 5 ca là công dân Malaysia.
Đáng chú ý, Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein nằm trong số 46 người phải áp dụng biện pháp cách ly tại nhà sau khi một nhân viên của Bộ này cho kết quả xét nghiệm với virus SARS-Cov-2 gây dịch COVID-19. Trong số 46 người này, ngoài ông Hishamuddin còn có nhân viên Bộ ngoại giao cùng thành viên gia đình nhân viên được xác định đã bị nhiễm bệnh trên.
Cùng ngày, Thái Lan đã thông báo về 4 ca mắc COVID-19 mới, song không có trường hợp tử vong. Như vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Thái Lan hồi tháng 1, quốc gia ASEAN này đã ghi nhận tổng cộng 3.081 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 57 trường hợp tử vong.
Theo người phát ngôn Trung tâm quản lý tình hình dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ Thái Lan - bà Panprapa Yongtrakul - 4 ca bệnh mới là những người đã đến Thái Lan từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia. Các bệnh nhân này hiện ở trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Cũng theo bà Panprapa, tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng ở Thái Lan đã chậm lại và trong suốt 2 tuần gần đây, khoảng 80% tổng số ca bệnh mới đều là những công dân Thái Lan trở về từ nước ngoài.
Kể từ ngày 1/6, Thái Lan sẽ bắt đầu cho phép mở cửa trở lại thêm nhiều cơ sở kinh doanh nằm trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ mức trung bình đến cao, trong đó có các rạp chiếu phim và phòng tập thể dục.
Hết ngày 31/5, Lào đã xét nghiệm tổng cộng hàng nghìn ca nghi ngờ mắc COVID-19, trong đó có 19 người dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 16 người đã khỏi bệnh. Giới chức Lào khẳng định 3 bệnh nhân COVID-19 còn lại ở nước này chỉ có các triệu chứng nhẹ.
Theo Tổng Giám đốc Cơ quan Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm trực thuộc Bộ Y tế Lào Rattanaxay Phetsavanh, 3 bệnh nhân trên đang được điều trị tại Bệnh viện Mittaphab (Bệnh viện 150) chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có bất cứ biểu hiện nào đáng ngại.
Sau hơn 1 tháng rưỡi không phát hiện thêm các trường hợp dương tính mới với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, từ ngày 29/5, Lào tiếp tục nới lỏng thêm một số hạn chế xã hội trong khi vẫn tiếp tục quản lý chặt việc xuất nhập cảnh và duy trì nghiêm các biện pháp phòng ngừa như yêu cầu người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hay nước sát khuẩn, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét với người đối diện.
Trong ngày 31/5, các nước ASEAN khác như Brunei, Campuchia, Việt Nam, Myanmar hay Timor Leste không ghi nhận ca COVID-19 nào.