Trong 24 giờ qua, khu vực vẫn chỉ có Indonesia, Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Trong ngày, khu vực có tới 7 nước ghi nhận các ca mắc mới, trong đó Indonesia và Philippines vẫn là những nơi dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.620 người dân ở khu vực này, tăng 40 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 36.932 trường hợp.
Trong vòng 1 ngày qua, Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về cả số ca mắc và ca tử vong. Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới chính là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với 1.496 người tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 28/5
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Singapore |
33.249 |
+373 |
23 |
|
17.276 |
Indonesia |
24.538 |
+687 |
1.496 |
+23 |
6.240 |
Philippines |
15.588 |
+539 |
921 |
+17 |
3.598 |
Malaysia |
7.629 |
+10 |
115 |
|
6.169 |
Thái Lan |
3.065 |
+11 |
57 |
|
2.945 |
Việt Nam |
327 |
|
|
|
278 |
Myanmar |
206 |
|
6 |
|
126 |
Brunei |
141 |
|
2 |
|
138 |
Cambodia |
124 |
|
|
|
122 |
Timor-Leste |
24 |
|
|
|
24 |
Lào |
19 |
|
|
|
16 |
"Tâm dịch" COVID-19 ở Đông Nam Á - quốc gia vạn đảo Indonesia - vẫn rất "nóng". Trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 687 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 23 ca tử vong, qua đó nâng tổng số mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 lên thành lần lượt 24.538 và 1.496 trường hợp.
Tuy nhiên, dù dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng, song nhà chức trách nước này vẫn quyết định có một số bước đi nhằm nới lỏng qui định giãn cách, như việc mở cửa du lịch tại Bali. Ngày 28/5, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, ông Whisnutama Kusubandio cho biết Bali là một trong những tỉnh của Indonesia có khả năng được mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế.
Trước đó, Phó Thống đốc Bali, ông Tjokorda Oka Artha Ardana Sukawati cũng tuyên bố Bali đã sẵn sàng thực hiện các yêu cầu để trở thành điểm đến an toàn cho du khách quốc tế sau đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Indonesia, Lực lượng nhiệm phòng chống dịch bệnh COVID-19 của quốc gia cũng cho rằng chính quyền địa phương tại Bali đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Do vậy, Lực lượng đặc nhiệm đề xuất Bali có thể mở cửa du lịch trở lại nhưng tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
Ngày 28/5, Giám đốc Cơ quan Vận tải Jakarta Syafrin Liputo cho biết Chính phủ Indonesia ước tính sẽ có khoảng 1,7-1,8 triệu người trở về thủ đô sau kỳ nghỉ lễ xả chay Idul Fitri.
Thống kê của Cơ quan Vận tải Jakarta cho biết 750.000 người đã về quê trong những ngày nghỉ lễ bằng các phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, nhà điều hành đường cao tốc thu phí thuộc sở hữu nhà nước PT Jasa Marga cho biết đã có tới 465.500 phương tiện cá nhân rời khỏi thủ đô.
Trước đó, chính quyền tỉnh Jakarta đã ban hành quy định hạn chế người dân ra hoặc vào thủ đô trong dịp lễ Idul Fitri nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Theo đó, mọi cá nhân muốn ra, vào khu vực thủ đô bắt buộc phải xuất trình giấy phép. Ngoài ra, chính quyền Jakarta cũng huy động quân đội và Cảnh sát quốc gia tham gia kiểm soát và ngăn chặn dòng người đổ về quê.
Tại Philippines, Bộ Y tế Philippines ghi nhận thêm 17 ca tử vong và 539 ca mắc COVID-19, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Theo bộ này, tổng số ca mắc bệnh tại Philippines đã tăng lên thành 15.588 người, trong đó có 921 ca tử vong. Trong khi đó, số bệnh nhân hồi phục là 3.598 người.
Một hội đồng liên ngành về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Philippines ngày 28/5 đã khuyến nghị Tổng thống Rodrigo Duterte nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại thủ đô Manila, địa phương ghi nhận nhiều ca mắc bệnh và tử vong nhất tại nước này, nhằm tái khởi động hoạt động kinh tế.
Trong bối cảnh, đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Tổng thống Duterte tuyên bố ông sẽ không cho phép sinh viên quay trở lại trường học cho đến khi có sẵn vắc-xin phòng virus SARS-CoV-2, ngay cả khi một số quốc gia khôi phục lại các lớp học trực tiếp.
Ngày 28/5, sau nhiều tuần tạm lắng, Thái Lan lại chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 mới tại nước này ở mức 2 con số, với 11 ca nhiễm được xác nhận, đưa tổng số ca nhiễm lên 3.065. Trong khi đó, tổng số ca khỏi bệnh là 2.945. Số ca tử vong vẫn ở mức 57.
Trung tâm xử lí tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan cho biết tất cả 11 ca nhiễm mới là người Thái Lan về từ Ấn Độ, Qatar và Kuwait và hiện đã được cách ly. Không có ca nào lây nhiễm cộng đồng.
Trước đó, Nội các Thái Lan hôm 26/5 đã quyết định gia hạn Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới cuối tháng 6 theo đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) cũng đã nhất trí với đề xuất của NSC với lý do là để ứng phó với những tiến triển của dịch COVID-19 trên toàn cầu và cho phép chuẩn bị giai đoạn nới lỏng phong tỏa tiếp theo từ đầu tháng tới.
Theo thông báo của Bộ Y tế Singapore, ngày 28/5, nước này ghi nhận 373 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID 19 tại đảo quốc sư tử lên 33.249 người.
Đây là lần đầu tiên sau hơn 3 tháng Singapore không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Lần cuối cùng là ngày 23/2.
Tính đến ngày 28/5, Singapore đã có 17.267 người được chữa khỏi và xuất viện, chiếm 53% số người mắc bệnh, ngoài ra có 23 trường hợp tử vong tại nước này.
Campuchia tiếp tục ứng phó hiệu quả với đại dịch khi số ca mắc COVID-19 của nước này mới chỉ có 124 ca, trong đó 122 ca đã được điều trị khỏi bệnh.
Bộ Y tế Campuchia ra thông báo tái khẳng định việc du khách nước ngoài nhập cảnh nước này phải xin thị thực (visa) trước tại các phái bộ ngoại giao Campuchia ở nước ngoài và cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe do các cơ quan y tế có thẩm quyền cấp không quá 72 giờ trước thời điểm đến Campuchia.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tác với cơ quan điều hành xe buýt Phnom Penh thông báo sẽ triển khai các biện pháp phòng dịch, cũng như huấn luyện các nhân viên vận tải nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 đối với lái xe và hành khách khi dịch vụ giao thông công cộng hoạt động trở lại.
Cơ quan điều hành xe buýt Phnom Penh cho biết đang lập kế hoạch áp dụng các quy định chỉ cho phép tối đa 20 hành khách/xe theo đúng hướng dẫn giãn cách, đảm bảo có cồn sát khuẩn, khẩu trang và đo thân nhiệt. Tuy nhiên, cơ quan này chưa cho biết thời điểm chính phủ cho phép xe buýt hoạt động trở lại.
Chính phủ Malaysia cùng ngày thông báo sẽ không phạt những người nước ngoài có thị thực (visa) hoặc thẻ tạm trú bị hết hạn đúng vào thời điểm nước này áp dụng Lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) và Lệnh Kiểm soát Di chuyển có điều kiện (CMCO).
Phát biểu với báo giới ngày 28/5, Bộ trưởng cao cấp Ismail Sabri Yaakob cho biết, quyết định nói trên được đưa ra dựa trên thực tế rằng, Cục Nhập cư và các cơ quan hữu quan của Malaysia đã bị đóng cửa trong thời gian thực thi MCO (từ ngày 18/3 – 28/4) nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Trong hoàn cảnh đó, người nước ngoài tại Malaysia không có cách nào để gia hạn visa hay thẻ tạm trú của họ.
Tới hết ngày 28/5, Malaysia ghi nhận 115 ca tử vong, 7.629 ca mắc bệnh COVID-19, tăng 10 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Trước đó, hôm 26/5, Chính phủ Campuchia quyết định nới lỏng biện pháp cấm hoạt động thể thao sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước này có những diễn biến tích cực.
Tính đến ngày 28/5, Lào đã xét nghiệm tổng cộng hàng nghìn ca nghi ngờ mắc COVID-19, trong đó có 19 người dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 16 người đã khỏi bệnh. Giới chức Lào khẳng định 3 bệnh nhân COVID-19 còn lại ở nước này chỉ có các triệu chứng nhẹ.
Theo Tổng Giám đốc Cơ quan Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm trực thuộc Bộ Y tế Lào Rattanaxay Phetsavanh, 3 bệnh nhân trên đang được điều trị tại Bệnh viện Mittaphab (Bệnh viện 150) chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có bất cứ biểu hiện nào đáng ngại.
Trong ngày 28/5, các nước ASEAN khác như Brunei hay Timor Leste không ghi nhận ca COVID-19 nào.