Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận 686 ca mắc, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 23.851. Đứng thứ hai ASEAN về ca mắc hàng ngày là Singapore với 533 ca, tiếp đó là Philippines với 380 ca.
Trong ngày 27/5, có ba quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 là Indonesia (55 ca), Philippines (18 ca) và Brunei (1 ca).
Các nước còn lại đã kiểm soát được dịch bệnh khi không có ca mắc mới hoặc số ca mắc mới có xu hướng giảm.
Indonesia: 143 trẻ em tử vong; lo ngại ca bệnh tăng đột biến
Ngày 26/5, Chủ tịch Ủy ban X (giám sát các vấn đề giáo dục, thanh niên, thể thao, du lịch, nghệ thuật và văn hóa) thuộc Hạ viện Indonesia, ông Syaiful Huda cho biết 143 trẻ em ở nước này đã tử vong do COVID-19.
Dẫn số liệu thống kê của Hiệp hội bác sĩ Indonesia (IDI), quan chức trên cho hay 129 trẻ em đã tử vong với các triệu chứng mắc bệnh, trong khi 14 em khác tử vong và đã được xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ông Syaiful cũng kêu gọi chính phủ cẩn trọng với kế hoạch mở lại các trường học do tỷ lệ lây nhiễm virus vẫn còn ở mức cao. Theo ông, việc buộc các trường học mở cửa trở lại vào thời điểm này "sẽ gây nguy hiểm cho học sinh và giáo viên".
Truyền thông địa phương dẫn lời người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia, ông Achmad Yurianto cho hay số ca nhiễm mới nhiều khả năng sẽ tăng mạnh vào tuần tới, dựa vào thời gian ủ bệnh trung bình của COVID-19. Ông Achmad cho biết trước lễ Idul Fitri, Lực lượng đặc nhiệm đã yêu cầu người dân tuân theo các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng khi đi thăm gia đình và người thân, như tránh các cuộc tụ họp nơi công cộng, mang khẩu trang khi rời nhà, thường xuyên rửa tay sát trùng và đảm bảo giãn cách. Tuy nhiên, nhiều người đã không tuân thủ các hướng dẫn này.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học Tri Wahyono thuộc Đại học Indonesia cho rằng truyền thống tụ họp gia đình và bắt tay trong lễ Idul Fitri có thể làm suy yếu chính sách giãn cách xã hội của chính phủ và khiến số lượng người mắc COVID-19 gia tăng đột biến, đặc biệt là tại các vùng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như vùng Đại Jakarta.
Dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ chưa đạt đỉnh vào đầu tháng 6 và số lượng các ca lây nhiễm có thể vượt 32.000 ca, khác với các dự báo.
Trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố sẽ triển khai 340.000 binh sĩ và cảnh sát tại các địa điểm đông người ở 25 thành phố thuộc 4 tỉnh nhằm chuẩn bị cho trạng thái "bình thường mới". Ông Widodo cho biết lực lượng an ninh sẽ giúp đảm bảo rằng người dân tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. Tổng thống Joko Widodo cho hay tỷ lệ lây nhiễm (R0) virus SARS-CoV-2 đã giảm xuống dưới mức 1 tại một số tỉnh, cho thấy sự suy giảm tốc độ lây lan dịch bệnh tại các địa phương này.
Philippines: Diễn tập thực thi giãn cách xã hội trên phương tiện công cộng
Tại Philippines, cảnh sát ở thủ đô Manila đã tiến hành diễn tập thực thi biện pháp giãn cách xã hội trên phương tiện giao thông công cộng và phòng chống dịch bệnh. Tham gia diễn tập ngoài cảnh sát còn có trên 500 học viên cảnh sát tại Manila đóng vai các hành khách đi tàu điện.
Người phát ngôn hệ thống tàu điện LRT Hernando Cabrera cho biết mỗi tàu sẽ chỉ được phép chở 10% lượng hành khách tối đa, tức là khoảng 160 khách, để đảm bảo giãn cách xã hội. Do đó, nhà chức trách gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý dòng người tại các nhà ga khi các phương tiện công cộng hoạt động trở lại.
Từ ngày 16/3 vừa qua, thủ đô Manila thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Chính quyền thành phố quyết định nới lỏng một số biện pháp hạn chế vào ngày 16/5 và dự kiến nhóm họp ngày 27/5 để quyết định xem có tiếp tục nới lỏng các biện pháp này hay không.
Trong ngày 27/5, Philippines thông báo có 380 ca nhiễm, mức cao nhất theo theo ngày trong hơn 7 tuần qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 15.049.
17 thị trưởng khu vực thủ đô, nơi cư trú của 16,5 triệu người, đã đề nghị nới lỏng các biện pháp phòng dịch tại Manila và cho phép thêm nhiều hoạt động kinh doanh được nối lại với hy vọng khởi động lại nền kinh tế vốn đang bị tê liệt do lệnh đóng cửa áp dụng từ giữa tháng 3.
Theo ước tính, lệnh đóng cửa buộc người dân phải ở nhà và doanh nghiệp tạm dừng hoạt động đã khiến kinh tế Philippines suy giảm 0,2% trong quí I/2020.
Lào có 45 ngày liên tiếp không có ca bệnh mới
Tại cuộc họp báo chiều 27/5 ở thủ đô Viêng Chăn, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 Lào cho biết tính tới ngày 27/5, nước này đã có 45 ngày liên tiếp không phát hiện trường hợp nào dương tính với căn bệnh nguy hiểm nói trên.
Lào đã thực hiện tổng cộng 5.938 lần xét nghiệm, phát hiện 19 trường hợp dương tính với bệnh COVID-19.
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Y tế Lào đã thông báo thêm tin vui trong cuộc chiến phòng chống COVID-19 tại nước này, theo đó, cũng trong ngày 27/5, đã có thêm hai bệnh nhân của nước này được chữa khỏi và xuất viện để tiếp tục cách ly tại gia đình. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã chữa khỏi cho 16/19 bệnh nhân mắc COVID-19.
Dự kiến, nếu tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tại Lào tiếp tục có tiến triển tốt như hiện tại, đầu tháng 6 tới, Chính phủ Lào có thể tiếp tục ban hành các biện pháp nới lỏng tiếp theo.
Campuchia nới lỏng biện pháp cấm hoạt động thể thao
Chính phủ Campuchia đã quyết định nới lỏng biện pháp cấm hoạt động thể thao sau khi tình hình dịch COVID-19 tại nước này diễn biến tích cực.
Trong một thông báo, Bộ trưởng Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Hang Chuon Naron cho biết các hoạt động thể thao từ nay sẽ được nối lại, nhưng thi đấu không khán giả. Ngoài ra, các quan chức và vận động viên cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo về y tế như không quá 100 người mỗi trận thi đấu, không ôm hoặc bắt tay nhau sau mỗi lần ghi điểm. Các trung tâm thể thao cùng với trang thiết bị phải được khử trùng trước các buổi tập luyện hoặc giải thi đấu.
Từ giữa tháng 3 vừa qua, Campuchia đã ban hành lệnh cấm các hoạt động thể thao khi số ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Tình hình dịch bệnh tại đây đã cải thiện khi chỉ còn 2 trong tổng số 124 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện.
Trong khi đó, giới doanh nghiệp Campuchia tiếp tục kêu gọi chính phủ nước này hỗ trợ nền kinh tế nội địa trong và sau thời gian dịch COVID-19, thông qua việc miễn thế chấp một số khoản vay và các chính sách mới nhằm khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Campuchia.
Thái Lan có thêm 9 ca mắc COVID-19 nhập khẩu
Thái Lan ngày 27/5 thông báo số ca nhiễm COVID-19 trong ngày là 9 người. Tất cả đều là công dân Thái Lan quay trở về từ nước ngoài và được được cách ly.
Bộ trưởng Y tế Thái Lan Sukhum Kanchanapimai cho rằng thời gian cách ly 14 ngày có thể không đủ dài và cần phải được xem xét lại. Giới chức y tế sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này và xem liệu có cần kéo dài thời gian cách ly hay không.
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Thái Lan hiện là 3.054, trong đó có 2.931 ca khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong vẫn là 57.
Trong khi đó, các nhà chức trách Thái Lan ngày 27/5 cho biết khoảng 1,3 triệu người làm trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe ở nước này sẽ được hưởng các kỳ nghỉ miễn phí tại các điểm du lịch nội địa trong năm nay. Đây là một phần nỗ lực khôi phục ngành du lịch của Thái Lan sau dịch COVID-19, dự kiến chi phí khoảng 5 tỷ baht. Tuy nhiên, kế hoạch nghỉ dưỡng dành cho các nhân viên y tế này sẽ còn phải chờ Nội các Thái Lan phê chuẩn.
Myanmar trợ cấp cho công nhân thất nghiệp
Bộ Lao động, Nhập cư và Dân số Myanmar đã thông báo quyết định trợ cấp an sinh xã hội cho 26.305 công nhân của các nhà máy và xưởng sản xuất bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế hoạt động để phòng dịch. Theo đó, các công nhân đã đăng ký trợ cấp an sinh xã hội theo Chương trình phúc lợi xã hội sẽ nhận được 40% lương tương ứng với số ngày thất nghiệp theo Luật an sinh xã hội.
Từ ngày 20/4 – 15/5 vừa qua, tất cả các nhà máy trong nước phải đóng cửa để nhà chức trách Myanmar tiến hành kiểm dịch. Trong thời gian dịch bệnh hoành hành, nhiều nhà máy buộc tạm dừng hoạt động do gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê của bộ trên cho thấy do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ có hơn 9.300 việc làm mới cho người dân địa phương tại các bang và khu vực trong tháng 4, giảm mạnh so với hơn 24.000 việc làm trong tháng 3.