Trong khi dịch có dấu hiệu tạm lắng tại châu Á, châu Âu và Mỹ, giúp nhiều quốc gia tại các khu vực này dần mở cửa trở lại nền kinh tế thì nhiều quốc gia tại khu vực châu Mỹ Latinh lại đang bước vào hoặc ở trong giai đoạn đỉnh dịch cùng với đó là những dự báo tác động kinh tế khôn lường. Đây cũng là lúc các quốc gia đẩy mạnh các biện pháp cứu trợ kinh tế và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch nhưng trong trạng thái cảnh giác làn sóng dịch bệnh thứ 2.
Theo báo cáo của Getulio Vargas Foundation (FGV), gồm các chuyên gia hàng đầu của Brazil, chỉ số đánh giá tình hình kinh tế của các nước khu vực Mỹ Latinh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 31 năm do tác động của đại dịch. Cụ thể, chỉ số trên trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm từ mức -14,1 điểm xuống tới -60,4 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 1/1989 - thời điểm hệ thống đo lường này ra đời. 11 nước tại khu vực Mỹ Latinh được phân tích trong báo cáo đều ghi nhận chỉ số đánh giá tình hình kinh tế xấu hơn trong 4 tháng đầu năm. Đáng lo ngại là Brazil khi chỉ số này ở mức -2 điểm tụt xuống tới mức -60,9 điểm, trong khi Paraguay từ mức -28 điểm xuống tới mức -70,4 điểm.
Cũng trong ngày 27/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro cho Liên minh châu Âu (EU). Nếu được thông qua, đây là sẽ là gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử EU và sẽ bao gồm các biện pháp đánh thuế sâu rộng đối với các mặt hàng nhựa, khí thải carbon và các hãng công nghệ lớn. Theo kế hoạch, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen sẽ đệ trình kế hoạch trước Nghị viện châu Âu cũng trong ngày 27/5 trước khi tiến hành một cuộc họp báo.
Tại Pháp, Chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố chi 8 tỷ euro để nhanh chóng vực dậy ngành công nghiệp ô tô, bảo vệ việc làm trong ngành này khi phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất lịch sử. Pháp là "quê hương" của các thương hiệu xe hơi nổi tiếng Renault, Citroen và Peugeot nhưng doanh số và doanh thu đã giảm khoảng 80% do ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 2 tháng nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Dù các nước châu Âu đang từng bước nối lại các hoạt động kinh tế nhưng tâm lý lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ 2 cũng buộc các chính phủ phải thận trọng hơn. Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm châu Âu cho biết các nhà sản xuất dược phẩm trong khu vực đã hối thúc chính phủ các nước dự trữ những loại thuốc quan trọng để đề phòng nguy cơ dịch tái bùng phát, trong bối cảnh kho dự trữ đã cạn kiệt trong những tháng qua, đặc biệt lưu ý bổ sung thuốc cho các đơn vị chăm sóc tích cực. Việc xây dựng kho dự trữ sẽ mất ít nhất 3 tháng, do đó cần phải bắt đầu càng sớm càng tốt.
Tại châu Á, ngày 27/5, Nội các Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung thứ hai cho tài khóa 2020 trị giá 31.910 tỷ yen (296 tỷ USD) để cấp tài chính cho việc triển khai các biện pháp nhằm xoa dịu tác động của đại dịch. Khoản ngân sách bổ sung có quy mô lớn nhất lịch sử Nhật Bản này sẽ giúp chi trả một phần cho gói kích thích kinh tế trị giá 117.000 tỷ yen (1.086 tỷ USD), trong đó tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn do dịch COVID-19 và đội ngũ nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang tìm cách khôi phục ngành du lịch, một động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, bằng cách cấp tiền cho người dân đi du lịch trong nước. Theo sáng kiến “Go To Travel”, Chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp tới 20.000 yen (185 USD)/ngày cho người dân đi du lịch. Khoản hỗ trợ trên sẽ trang trải một nửa chi phí cho các chuyến đi, được cấp thông qua việc kết hợp giảm giá mạnh và các phiếu quà tặng sử dụng tại các cửa hàng và nhà hàng gần điểm du lịch. Sáng kiến này dự kiến bắt đầu được triển khai vào cuối tháng 7 tới.
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison thừa nhận nước này có thể cần từ 3-5 năm để phục hồi nền kinh tế đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng là phải mở cửa trở lại nền kinh tế càng sớm càng tốt. Ông Morrison cho rằng cần một nỗ lực thống nhất để tạo đà và gây dựng lại niềm tin, đồng thời nhấn mạnh tạo việc làm vẫn là ưu tiên số một của Australia.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương New Zealand dự báo kinh tế nước này sẽ chứng kiến mức tăng trưởng âm trong năm 2020, với mức giảm mạnh nhất trong hơn 160 năm qua. Trong Báo cáo Ổn định tài chính mới công bố, ngân hàng trên ước tính quy mô kinh tế của New Zealand sẽ bị thu hẹp gần 10% trong năm nay, với số người thất nghiệp tăng khoảng 18% và giá nhà ở sẽ giảm gần 50%, nếu các hạn chế không sớm được gỡ bỏ hoàn toàn. Báo cáo cũng chỉ ra diễn biến của đại dịch COVID-19 vẫn khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế nước này.
Là một trong những ngành đầu tiên chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh khi hầu hết các quốc gia phải ban bố các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn nguy cơ lây lân, ngành hàng không toàn cầu đã nhận được các gói cứu trợ tích cực từ chính phủ các nước. Cụ thể, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), tính đến giữa tháng 5 này chính phủ các nước trên thế giới đã cấp tổng cộng 123 tỷ USD hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch. Các khoản hỗ trợ này gồm 50,4 tỷ USD phân bổ dưới hình thức cho vay; 34,8 tỷ USD hỗ trợ việc làm; 11,5 tỷ USD cho vay có bảo đảm; hình thức vốn đầu tư 11,2 tỷ USD. Mặc dù không có số liệu chính xác về số công ty có nguy cơ phá sản, IATA cảnh báo nhiều hãng hàng không có thể rơi vào tình trạng này nếu các chính phủ không phản ứng kịp thời và đúng mức, hoặc nếu tình hình không được cải thiện khi các tuyến bay nội địa được nối lại vào tháng 6 tới theo kế hoạch đề ra, và tháng 7 đối với các tuyến bay quốc tế. IATA dự báo ngành hàng không chỉ có thể phục hồi như trước khủng hoảng từ năm 2023.