Tính đến ngày 27/5, Peru ghi nhận gần 130.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.788 ca tử vong – đứng thứ hai về cả số ca bệnh lẫn ca tử vong tại Nam Mỹ, chỉ sau Brazil.
Hai quốc gia này đã có cách xử lý, đối phó dịch bệnh hoàn toàn khác nhau: Trong khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hạ thấp các mối nguy hiểm do COVID-19 gây ra, Tổng thống Peru, Martin Vizcarra từ ngày 15/3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc bao gồm lệnh tự cách ly bắt buộc, lệnh giới nghiêm và đóng cửa biên giới.
Tuy vậy, virus SARS-CoV-2 đã càn quét hai đất nước này gần như nhau.Khoảng 85% giường chăm sóc đặc biệt (ICU) có máy thở của Peru hiện đang được sử dụng, và các bệnh viện đang đối mặt tình trạng quá tải đáng sợ.
"Đây không chỉ là một tình trạng khẩn cấp sức khoẻ cộng đồng mà còn là thảm hoạ y tế, được định nghĩa là một tình huống mà đại dịch đã vượt qua khả năng ứng phó của ngành y", Tiến sĩ Alfredo Celis thuộc Đại học Y Peru nói với kênh CNN tiếng Tây Ban Nha.
Nhưng vì sao một đất nước đã phản ứng quyết đoán và nghiêm túc với đại dịch lại đang gánh chịu những tác động ghê gớm như vậy?
Xung đột giữa nhu cầu người dân và các biện pháp phong toả
Theo Tiến sĩ Elmer Huerta, một bác sĩ người Peru cộng tác với đài CNN, thì sự bất bình đẳng sâu sắc ở Peru là một trong những lý do. "Những gì tôi đã học được là virus này lây lan dựa trên các điều kiện kinh tế xã hội ở một nơi," ông nói.
Nhiều người nghèo ở Peru không có lựa chọn nào khác ngoài việc mạo hiểm ra khỏi nhà để làm việc, mua thực phẩm hay giao dịch ngân hàng.
Chỉ 49% hộ gia đình Peru có tủ lạnh hoặc tủ đông (ở khu vực thành thị là 61%), theo kết quả Điều tra dân số năm 2017. Điều đó có nghĩa nhiều người dân cần đi chợ hàng ngày để mua thực phẩm vì không thể dự trữ. “Thật khó để giãn cách xã hội ở một nơi mà người ta không thể ở nhà”, Tiến sĩ Huerta nói.
Ngày 14/4, khoảng một tháng sau khi Peru ra lệnh bắt buộc ở nhà và thực hiện lệnh giới nghiêm, kênh truyền hình CNN tại Peru đã phát đi những hình ảnh bên ngoài một khu chợ ở ngoại ô Lima. Người dân đang xếp hàng chờ đợi trong nhiều giờ và dòng người kéo dài hàng kilomet. Hầu hết mọi người đeo khẩu trang, nhưng giãn cách xã hội ở những nơi như thế dường như là bất khả thi.
"Chúng tôi đành phải ra đám đông vì không còn cách nào khác", một phụ nữ đứng xếp hàng nói. "Nếu không, chúng tôi sẽ không có thức ăn. Chúng tôi không có gì để ăn, đó là lý do tại sao phải đến đây."
Vào ngày hôm đó, số lượng các ca COVID-19 được xác nhận ở Peru là 10.303 ca. Tới ngày hôm nay, con số này đã cao gấp 13 lần.
Những hậu quả không lường trước
Người dân Peru cũng chen chúc tại các ngân hàng khi họ tìm cách tiếp cận quỹ hỗ trợ dịch bệnh của chính phủ.
Gói kích thích của chính phủ nhằm giúp hàng triệu gia đình dễ bị tổn thương ở Peru là một ý tưởng tốt, nhưng năng lực phân phối lại được thiết kế kém – theo nhận xét của nhà kinh tế Kristian Lopez Vargas, một Phó giáo sư người Peru tại Đại học California, Mỹ.
Trong một báo cáo vào năm ngoái, cơ quan quản lý các ngân hàng của Peru báo cáo rằng chỉ có khoảng 38% người trưởng thành ở nước này có tài khoản ngân hàng. Việc thiếu khả năng truy cập trực tuyến vào hệ thống tài chính đồng nghĩa phần lớn người nhận hỗ trợ phải trực tiếp đến ngân hàng để nhận tiền.
"Không khó để dự đoán hành vi của mọi người trong nỗ lực tiếp cận tiền hỗ trợ", ông Lopez Vargas nói. "Những chính sách như vậy đã vô tình gây tác hại khi thúc đẩy người dân tụ tập thành đám đông lớn trong các ngân hàng”.
Ngoài ra, theo Phó giáo sư Vargas, đời sống sinh hoạt của nhiều người Peru cũng gây khó khăn trong thực hiện giãn cách xã hội. Hơn 30% số hộ gia đình ở Peru sống trong điều kiện đông đúc, chật chội, với 4 người, thậm chí hơn, ngủ chung phòng.
Trong khi đó, có tới trên 72% dân số nước này làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức - theo Viện Thống kê và Thông tin Quốc gia Peru. Mà với những người thuộc khu vực phi chính thức thì việc kiếm thu nhập thường xuyên phụ thuộc vào việc họ phải ra ngoài đi làm và không thể tự cách ly.
Tình trạng đó, kết hợp với nhu cầu đi chợ mua thực phẩm hàng ngày của hàng triệu người dân, đã tạo thành "một hỗn hợp bùng nổ", ông Lopez Vargas nói.
Điều gì đang xảy ra
Hôm 23/5, Tổng thống Vizcarra đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 30/6, giữ nguyên lệnh tự cách ly bắt buộc và giới nghiêm trên toàn quốc. Đó là lần thứ năm các biện pháp khẩn cấp được gia hạn.
Nhưng lần này, quyết định gia hạn được đưa ra đi kèm với việc cho phép một số ngành nghề kinh doanh nhất định được mở cửa trở lại, gồm các dịch vụ như cắt tóc, giao thực phẩm và nha khoa.
Các ưu tiên của Peru trong thực thi hướng dẫn y tế cũng bắt đầu có thay đổi kể từ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố lần đầu tiên. Hồi đầu tháng 4, Tổng thống Vizcarra thông báo rằng trong những tuần đầu tiên của thời kỳ cách ly tại nhà, có tới 3.000 người đã bị bắt giam vì không tuân thủ. Hôm 26/5 vừa qua, ông tuyên bố rằng ưu tiên lúc này sẽ là thực thi hướng dẫn y tế tại các khu chợ trên toàn quốc. Một bài học rút ra từ phản ứng với đại dịch là mọi người phải thay đổi một số "hành vi xã hội đã gây ra nhiều thiệt hại", ông Vizcarra nói thêm.
"Loại hành vi này là cá nhân, ích kỷ... không đếm xỉa tới những gì đang xảy ra, và đó chính xác là thứ đã đẩy chúng ta vào tình trạng này, không chỉ ở Peru mà cả thế giới", nhà lãnh đạo Peru tuyên bố.
Tuy nhiên Tiến sĩ Huerta và nhà kinh tế Lopez Vargas lại tỏ ra thận trọng trước việc đổ trách nhiệm lên người dân. Theo họ những vấn đề tiềm ẩn mà đại dịch đã phơi bày không phải là điều gì mới mẻ và cần phải giải quyết dứt điểm, nếu không mọi nỗ lực ngăn chặn dịch dù có vẻ hợp lý và quyết liệt, cũng chỉ như muối bỏ biển.