Lý do phong toả đã 2 tháng, Brazil vẫn có nguy cơ ‘vỡ trận’ vì COVID-19

Mặc dù đã thực thi các biện pháp phong toả, giãn cách suốt 2 tháng qua, Brazil vẫn đang chứng kiến làn sóng dịch càn quét mạnh và hệ thống y tế đứng bên bờ vực "vỡ trận". Một loạt nguyên nhân chủ quan đang khiến Brazil có thể trở thành điểm nóng lây nhiễm COVID-19 lớn nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Một cư dân thành phố Manaus, Brazil, bên phần mộ người thân qua đời vì COVID-19 ngày 6/5/2020. Ảnh: Reuters 

Cuối tuần qua, những người trẻ tuổi tấp nập đổ ra đường phố Rio de Janeiro, tận hưởng cuộc sống về đêm, tụ tập uống bia dọc theo những bãi biển nổi tiếng. Không ai đeo khẩu trang. Sau hai tháng bị phong toả, cư dân ở các khu vực giàu có của thành phố vui mừng được ra ngoài, không quan tâm đến hiểm hoạ dịch bệnh vây quanh. Trong khi đó ở các khu dân cư nghèo, nơi virus SARS-CoV-2 lây lan khủng khiếp, mọi người đang sợ hãi.

Một tổng thống theo chủ nghĩa hoài nghi, chưa thực sự vào cuộc chống dịch. Hàng triệu người từ chối giãn cách xã hội. Một hệ thống y tế quá tải. Đây chỉ là 3 trong số nhiều yếu tố đang biến Brazil trở thành tâm chấn tiếp theo của dịch COVID-19 và có thể là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới.

Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt từ gần 2 tháng trước, nhưng tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 của Brazil vẫn tăng mạnh. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London, chỉ số lây nhiễm (R rate) ở Brazil là 2, tức trung bình một người mắc bệnh lây cho 2 người khác. Trong khi đó, Mỹ và các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nền bởi dịch COVID-19 khác đã đưa chỉ số này xuống 1. Điều này có nghĩa quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh có thể sớm trở thành tâm dịch lây nhiễm lớn nhất thế giới.

“Mối lo ngại của tôi là Brazil sẽ trở thành tâm dịch COVID-19 mới. Trong khi Mỹ đã trải qua giai đoạn nghiêm trọng nhất, đường cong về số ca nhiễm và tử vong tại Brazil cho thấy chúng tôi vẫn chưa gần tới đỉnh dịch”, ông Miguel Nicolelis, một trong những nhà khoa học uy tín nhất ở Brazil, hiện đang điều phối một ủy ban đối phó dịch, phát biểu với tạp chí Time (Mỹ).  

Vì sao số ca bệnh ở Brazil tăng mạnh?

Tới ngày 20/5, Brazil ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao thứ tư thế giới, với trên 271.000 trường hợp và gần 18.000 ca tử vong. Nhưng các chuyên gia y tế tin rằng, do thiếu năng lực xét nghiệm, số ca bệnh thực sự ở nước này có thể cao gấp 15 lần và số ca tử vong cao ít nhất gấp 2 lần con số chính thức. Đại dịch vẫn đang càn quét, và hệ thống y tế Brazil đứng bên bờ vực “vỡ trận”.

Trường Đại học Washington dự đoán, tới tháng 8/2020, khoảng 90.000 người có thể sẽ tử vong chỉ tính tại 8 trong số 26 bang của Brazil.

Chú thích ảnh
Một hiệu làm móng ở São Paulo. Tổng thống Bolsonaro tuyên bố các salon làm đẹp là ngành kinh doanh thiết yếu. Ảnh: The New York Times

Tất cả các bang của Brazil đều đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội từ tháng 3/2020, khi dịch bệnh ở nước này còn chưa bùng phát mạnh như ở châu Âu. Tuy nhiên, việc số ca bệnh tăng chậm ở đây trong nhiều tuần, cộng với những phát ngôn phản đối các biện pháp giãn cách xã hội từ chính Tổng thống Jair Bolsonaro đã dẫn tới việc ngày càng ít người Brazil tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Tới giữa tháng 5, ước tính chỉ có khoảng 40-55% người dân, tuỳ theo từng bang, tuân thủ giãn cách. Dân số đã đông, lại tập trung với mật độ cao ở các thành phố lớn, cũng là nguyên nhân khiến virus lây lan nhanh.

“Brazil có mọi yếu tố để dịch bệnh lây lan nhanhh”, ông Carlos Machado, điều phối viên chống COVID-19 tại Viện dịch tễ hàng đầu Brazil, Fiocruz cho biết. “Tình trạng này đã không xảy ra nếu các biện pháp hiệu quả được áp dụng ngay từ đầu. Brazil đã thực hiện những biện pháp nửa vời và không đủ cứng rắn. Điều này đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng lây nhiễm của dịch bệnh cũng như tác động kinh tế. Chúng ta càng ở lâu hơn trong tình trạng nửa vời này, hậu quả kinh tế càng lớn hơn”, ông Machado cảnh báo.

Bên cạnh đó, thái độ, quan điểm của người dân và chính quyền cũng là một vấn đề. “Liên tục có mâu thuẫn trong các thông điệp, chiến lược, và cả xung đột chính trị. Điều này phản ánh qua khó khăn của Brazil trong việc mua các thiết bị như máy thở, dụng cụ xét nghiệm, thậm chí cả khẩu trang”, ông chuyên gia Nicolelis nói. Hệ thống y tế của Brazil chỉ có thể tiến hành 63 xét nghiệm/100.000 dân, một trong những tỉ lệ thấp nhất khu vực.

“Brazil chưa từng gặp chiến tranh, chưa từng bị một cuộc tấn công nào như vậy, chưa từng tham gia một cuộc chiến như vậy. Vì thế sẽ rất khó để người Brazil hiểu được tính nghiêm trọng của nó”, ông Nicolelis nói.

Phản ứng "lạ" của Tổng thống Bolsonaro

Ngay từ đầu đến giờ, Tổng thống theo đường lối cực hữu của Brazil đã đánh giá thấp tính nghiêm trọng của dịch COVID-19, ông còn tham gia cùng đoàn biểu tình phản đối giãn cách xã hội và cho rằng virus SARS-CoV-2 chỉ gây “cảm nhẹ”. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Jair Bolsonaro tham gia cùng những người biểu tình phản đối giãn cách xã hội ngày 19/4. Ảnh: AFP/Getty Images

Tổng thống Bolsonaro còn phản đối các biện pháp phòng ngừa mà các thống đốc bang áp dụng, như đóng cửa các trường học, cấm xe buýt hoạt động, đóng cửa các nhà hàng, quán bar, bãi biển. Tuần trước, ông Bolsonaro còn cho rằng các phòng tập gym và salon làm đẹp là ngành kinh doanh thiết yếu, cần mở cửa trở lại.

Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng đã gây bất ổn nghiêm trọng trong chính phủ liên bang. Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta bị sa thải sau khi bất đồng với Tổng thống về cách kiểm soát dịch bệnh. Tiếp sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Sergio Moro cũng từ chức. Mới đây nhất, tân Bộ trưởng Y tế Nelson Teich, người thay ông Mandetta, cũng từ chức sau khi từ chối yêu cầu của Tổng thống Bolsonaro về việc đề xuất sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để điều trị COVID-19.

“Ngay từ đầu Brazil đã không có một chiến lược rõ ràng và thống nhất từ chính phủ liên bang. Các thông điệp đều mơ hồ và thiếu hiệu quả. Sự hỗ trợ cho các bang ở mức tối thiểu và còn thiếu rất nhiều”, ông Nicolelis nhấn mạnh. 

Chú thích ảnh
Một nghĩa trang chôn nạn nhân COVID-19 ở Rio de Janeiro. Ảnh: The New York Times

Hệ thống y tế thiếu hiệu quả vì nạn tham nhũng

Hệ thống Brazil đối phó không hiệu quả với đại dịch COVID-19, mặc dù nước này có vẻ như được trang bị tốt để đối phó đại dịch ở cấp độ quốc gia.

Brazil có tỉ lệ 21 giường chăm sóc đặc biệt (ICU) /100.000 dân, gấp đôi so với Italy, Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các thiết bị này lại không được phân phối đồng đều về mặt địa lý, hay giữa các bệnh viện công và tư.

Trên thực tế, tình trạng tham nhũng và thiếu năng lực đã khiến phản ứng với dịch bệnh của Brazil bị chậm lại. Hiện 11 bang đang điều tra khả năng tiền quỹ phân bổ cho việc mua sắm các thiết bị y tế đã được chuyển đổi mục đích sai trái.

Không có gì ngạc nhiên khi hệ thống y tế nhanh chóng quá tải. 8 thủ phủ bang có giường ICU đang hoạt động ở mức trên 90% và ở Rio, có hơn 1.000 người đang chờ giường bệnh. Brazil đã vượt Mỹ về số nhân viên y tế tử vong do mắc COVID-19. Nếu số ca tiếp tục tăng ở mức như hiện nay, hệ thống y tế Brazil được cảnh báo sẽ sớm sụp đổ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Time, DW)
Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 20/5: Thế giới gần 5 triệu người mắc bệnh, Brazil nguy cơ ‘vỡ trận’
Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 20/5: Thế giới gần 5 triệu người mắc bệnh, Brazil nguy cơ ‘vỡ trận’

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 92.129 trường hợp mắc COVID-19 và 4.467 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên 4.980.253 người. Trừ Mỹ và Brazil, đại dịch tiếp tục xu thế hạ nhiệt trên thế giới, nhiều nước thận trọng nới lỏng các biện pháp phòng dịch và đang từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN