Trong nghiên cứu trên, rất hiếm ca tái nhiễm được xác nhận trong số 353.326 người từng mắc COVID-19 tại Qatar và những ca tái nhiễm này thường có các triệu chứng nhẹ.
Làn sóng lây nhiễm thứ nhất tại Qatar đã xảy ra trong giai đoạn tháng 3-6/2020. Cuối làn sóng này, khoảng 40% dân số đã có kháng thể chống virus SARS-CoV-2. Sau đó, nước này trải qua hai làn sóng lây nhiễm khác từ tháng 1-5/2021, trước khi xuất hiện biến thể siêu lây nhiễm Delta.
Để xác định số người đã tái nhiễm, các nhà khoa học thuộc Weill Cornell Medicine-Qatar đã so sánh tỷ lệ người có xét nghiệm PCR dương tính trong thời gian từ tháng 2/2020 đến tháng 4/2021. Họ loại ra 87.547 ca nhiễm đã tiêm vaccine. Các nhà khoa học phát hiện rằng trong số các ca nhiễm có 1.304 ca tái nhiễm. Thời gian từ lúc nhiễm lần đầu tới lúc tái nhiễm là khoảng 9 tháng. Trong số các ca tái nhiễm, chỉ có 4 ca phải nhập viện, song không có ca nhiễm nào nặng tới mức phải điều trị tích cực. Trong khi đó, 28 ca trong số các nhiễm lần đầu đã phải điều trị tích cực. Ngoài ra, không có ca tử vong trong số ca tái nhiễm, trong khi con số này trong các ca nhiễm lần đầu là 7.
Kết quả nghiên cứu trên được xem là tin tích cực với những người từng nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có hạn chế vì chỉ được thực hiện ở Qatar, chưa rõ liệu virus này có phản ứng tương tự như vậy ở các nơi khác trên thế giới hay không. Hơn nữa, nghiên cứu được tiến hành khi các biến thể Alpha và Beta là nguyên nhân chủ yếu gây ra các ca tái nhiễm, trong khi không có số liệu về Delta, vốn là biến thể chủ đạo hiện nay và có thể tác động đến số ca tái nhiễm.
Bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm Kami Kim, trưởng Khoa Truyền nhiễm và Dược quốc tế của Đại học South Floria (Mỹ), cảnh báo mọi người cần thận trọng, không để có cảm giác sai lầm rằng không cần tiêm vaccine nữa nếu đã từng nhiễm virus. Ông nhấn mạnh cần cảnh giác với dịch bệnh này, nhất là khi nhiễm virus có thể dẫn tới các triệu chứng kéo dài. Ông cũng cho biết thêm rằng việc hạn chế số người mắc sẽ hạn chế khả năng virus biến đổi.