Tín hiệu đáng lo ngại từ việc Triều Tiên thử tên lửa với số lượng kỷ lục trong năm 2022

Theo ông Ankit Panda, tất cả những gì chứng kiến trong năm nay cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cực kỳ nghiêm túc về việc sớm sử dụng năng lực hạt nhân trong một cuộc xung đột nếu cần thiết. Đồng thời, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên có xu hướng bùng phát khi Hàn Quốc có một chính phủ bảo thủ.

Chú thích ảnh
Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) "Hwasong Gun 17" của Triều Tiên ngày 18/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2020, Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ thử tên lửa. Vào năm 2021, số vụ thử đã nhiều gấp đôi. Vào năm 2022, Triều Tiên đã bắn nhiều tên lửa nhất từ trước tới nay, có thời điểm phóng 23 tên lửa trong một ngày.

Theo kênh CNN, Triều Tiên đã bắn ít nhất 90 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trong năm nay, phô trương một loạt vũ khí và các chuyên gia cảnh báo Triều Tiên có thể sắp thử hạt nhân.

Mặc dù bản thân các cuộc thử nghiệm không phải là mới, nhưng chỉ riêng tần suất các vụ thử đã cho thấy nhiều điều.

Ông Ankit Panda, chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết: “Điều quan trọng về năm 2022 là từ 'thử nghiệm' không còn phù hợp để nói về hầu hết các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Họ hầu như không thử tên lửa trong những ngày này. Tất cả những gì chúng ta chứng kiến trong năm nay cho thấy ông Kim Jong-un cực kỳ nghiêm túc về việc sớm sử dụng năng lực hạt nhân trong một cuộc xung đột nếu cần thiết”.

Các cuộc thử nghiệm cũng có nguy cơ gây ra cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á, khi các quốc gia gần đó đang tăng cường quân đội và Mỹ cam kết sẽ bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản bằng toàn bộ khả năng, gồm cả hạt nhân.

Dưới đây là cái nhìn toàn cảnh về một năm thử vũ khí và cảnh báo từ Triều Tiên, cũng như những dự báo cho năm tới.

Tăng cường thử nghiệm tên lửa

Theo Dự án Phòng thủ Tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trong số hơn 270 vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên kể từ năm 1984, hơn 1/4 số vụ diễn ra trong năm nay.

Chú thích ảnh
Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) "Hwasong Gun 17" của Triều Tiên ngày 18/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tổng số đó, hơn 3/4 vụ thử diễn ra sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, phản ánh tham vọng của ông khi hồi tháng 4, ông tuyên bố sẽ phát triển lực lượng hạt nhân với tốc độ nhanh nhất có thể.

Mục tiêu đó được phản ánh trong một loạt cuộc thử nghiệm, khi Triều Tiên bắn tên lửa vào 36 ngày trong năm nay.

Ông Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Quỹ Di sản cho biết: “Đối với tên lửa, họ lập kỷ lục hàng ngày, hàng tháng và hàng năm”.

Phần lớn các cuộc thử nghiệm này là tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Triều Tiên cũng đã phóng tên lửa đất đối không và tên lửa siêu vượt âm.

Ông Panda nói: “Triều Tiên đang thực sự trở thành một nhà vận hành lớn các lực lượng tên lửa quy mô lớn”. Gần đây, Triều Tiên bắn tên lửa để đáp trả các cuộc tập trận quân sự hoặc các cuộc đàm phán ngoại giao của Mỹ và các đồng minh trong khu vực.

Trong số các tên lửa đạn đạo được thử nghiệm có Hwasong-12. Đây là tên lửa đã bay hơn 4.500 km vào tháng 10, bay qua Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên thực hiện được điều này sau 5 năm. Một tên lửa đáng chú ý khác là Hwasong-14 có tầm bắn ước tính hơn 10.000 km. Lãnh thổ đảo Guam của Mỹ chỉ cách 3.380 km từ Triều Tiên.

Nhưng có một loại vũ khí đặc biệt đã thu hút sự chú ý của quốc tế: Hwasong-17. Đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mạnh nhất của Triều Tiên cho đến nay. Về mặt lý thuyết, tên lửa này có thể vươn tới đất liền Mỹ, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa biết về khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới mục tiêu của tên lửa.

Triều Tiên tuyên bố lần đầu tiên phóng thành công tên lửa Hwasong-17 vào tháng 3. Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, Hwasong-17 đã được thử nghiệm một lần nữa vào tháng 11. Sau đó, Chủ tịch Kim Jong-un cảnh báo rằng nước này sẽ có hành động tấn công mạnh mẽ hơn để đáp trả những kẻ thù đang tìm cách phá hủy hòa bình và ổn định ở Bán đảo Triều Tiên và khu vực.

Khả năng thử hạt nhân

Chú thích ảnh
Cuộc tập trận tấn công hoả lực của pháo binh tầm xa Quân đội Nhân dân Triều Tiên tại một địa điểm không xác định. Ảnh: AFP/TTXVNh

Từ đầu năm nay, Mỹ và các nhà quan sát quốc tế đã cảnh báo rằng Triều Tiên dường như đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất. Nếu xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2017.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động mới tại bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, nơi nước này trước đó đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất. Triều Tiên tuyên bố vụ thử gần đây nhất là một quả bom hydro, loại vũ khí mạnh nhất mà nước này từng thử nghiệm. Vụ thử hạt nhân năm 2017 đó có đương lượng nổ ước tính là 160 kiloton.

Quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản chỉ có đương lượng nổ 15 và 21 kiloton. Mỹ và Nga đã thực hiện các cuộc thử nghiệm nổ mạnh nhất trong lịch sử, với sức công phá lên tới 10.000 kiloton.

Không rõ chính xác Triều Tiên có bao nhiêu vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia tại Liên đoàn Nhà khoa học Mỹ ước tính Triều Tiên có thể đã lắp ráp 20 đến 30 đầu đạn hạt nhân.

Căng thẳng gia tăng

Chú thích ảnh
Máy bay ném bom chiến lược B-52H (giữa), chiến đấu cơ F-22 và máy bay vận tải C-17 của Mỹ tham gia cuộc tập trận không quân chung với Hàn Quốc ngày 20/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù đã từng có hy vọng về bước đột phá ngoại giao vào năm 2019 sau các cuộc gặp mang tính bước ngoặt giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump, nhưng những hy vọng đó đã tan sau khi cả hai nhà lãnh đạo không đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa chính thức nào.

Quan hệ Mỹ - Triều đã đi xuống kể từ đó khi ông Kim Jong-un năm 2021 công bố kế hoạch sâu rộng 5 năm nhằm hiện đại hóa quân đội của Triều Tiên, gồm phát triển vũ khí siêu vượt âm và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Năm 2022 là một phần mở rộng của tầm nhìn đó, khi Triều Tiên nỗ lực phát triển khả năng răn đe hạt nhân chiến lược cũng như các lựa chọn hạt nhân.

Có một vài lý do có thể giải thích tại sao năm nay Triều Tiên lại phóng nhiều tên lửa như vậy. Ông Panda cho rằng căng thẳng có xu hướng bùng phát khi Hàn Quốc có một chính phủ bảo thủ.

Việc Triều Tiên tăng tốc mạnh mẽ trong thử nghiệm vũ khí đã đẩy các nước láng giềng như Nhật Bản và Hàn Quốc đến gần hơn với các đối tác phương Tây.

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tổ chức một số cuộc tập trận chung và phóng tên lửa để đáp trả các vụ thử của Bình Nhưỡng. Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực, triển khai lại một tàu sân bay tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên và điều các máy bay chiến đấu tàng hình tối tân tới Hàn Quốc để huấn luyện. Trong khi đó, các nước QUAD gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã tăng cường hợp tác quân sự.

Các chính phủ cũng đã có những hành động đáng kể, ví dụ như Nhật Bản cho biết họ sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng.

Nhưng các chuyên gia đã cảnh báo rằng hoạt động quân sự hóa nhanh chóng này có thể gây ra bất ổn trên toàn khu vực. Ông Klingner cho biết Mỹ và Hàn Quốc có nhiều cuộc tập trận chung được lên kế hoạch vào mùa xuân và điều này có thể khiến Triều Tiên tiếp tục bắn thử tên lửa để thể hiện mình không hài lòng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Chi tiết quá trình Hàn Quốc đối đầu 5 UAV được cho của Triều Tiên bay qua biên giới
Chi tiết quá trình Hàn Quốc đối đầu 5 UAV được cho của Triều Tiên bay qua biên giới

Tổng cộng có 5 máy bay không người lái được cho của Triều Tiên đã đi qua biên giới liên Triều. Một chiếc đã xuất hiện trên bầu trời phía Bắc Seoul hôm 26/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN