Tại Mỹ, sàn giao dịch S&P 500 trải qua bốn phiên giảm điểm, chỉ có một phiên tăng điểm duy nhất trong tuần. Chốt phiên ngày 4/3, chỉ số S&P 500 giảm 0,5%, xuống còn 4.328 điểm, dẫn đến mức giảm điểm 3% trong tuần qua. Mức giảm điểm trong tuần của chỉ số NASDAQ là 2,8%, của Down Jones là 1,3%.
Chứng khoán châu Âu chốt phiên ngày 4/3 ở mức thấp nhất trong vòng gần hai năm trở lại đây, khi cổ phiếu của các ngành ô tô, ngân hàng bị bán tháo mạnh sau khi xuất hiện thông tin về vụ cháy nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại Ukraine. Chỉ số STOXX 600 trên toàn châu Âu trong phiên ngày 4/3 mất 3,6%, gây ra mức giảm điểm trong tuần qua là 7% - mức lớn nhất kể từ thời điểm bán tháo cổ phiếu sau thông tin bất ổn về đại dịch COVID-19 tháng 3/2020.
Chứng khoán châu Á chốt phiên cuối tuần xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua. Chỉ số MSCI toàn châu Á-Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản bốc hơi 1,6%, còn 585,5 điểm, thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Riêng trong phiên ngày 4/3, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,2%, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong mất 2,5%, KOSPI tại Hàn Quốc giảm 1,22%.
Trái ngược với thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa toàn cầu ghi nhận tuần tăng giá mạnh. Chỉ số hàng hóa S&P Goldman Sachs trong tuần ghi nhận mức tăng 19,9%, mức tăng trưởng kỉ lục từ trước đến nay, khi xung đột ở Ukraine làm dấy lên lo ngại về nguồn cung ứng và giao dịch đối với nhiều mặt hàng như dầu thô, lúa mỳ, ngô…
Chốt phiên giao dịch ngày 4/3, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 7,65 USD, lên 118,11 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 3/2013. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 8,01 USD và đóng phiên ở mức 115,68 USD/thùng, mức kỉ lục kể từ tháng 9/2008.
Tính trong tuần, giá dầu Brent và WTI có mức tăng lên tới trên 20%, khi lực mua thắng thế vì lo ngại đứt gãy nguồn cung dầu thô từ Nga liên quan đến xung đột Ukraine. Dầu WTI tăng 24,09 USD, tương ứng mức tăng 26,30%, mức tăng trưởng kỉ lục theo tuần kể từ tháng 4/1983. Dầu Brent tăng 23,99 USD, tương ứng 25,49% và cũng là mức tăng kỉ lục theo tuần kể từ tháng 1/1991.
Trên sàn giao dịch nông sản Chicago, giá lúa mỳ kỳ hạn giao sau chốt phiên ngày 4/3 ở mức 11,45 USD/bushel, mức kỉ lục kể từ năm 2008. Nga và Ukraine là hai nước sản xuất và cung ứng lúa mỳ hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% tổng xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu. Vì thế, xung đột kéo dài sẽ đe dọa nguồn cung dài hạn đối với mặt hàng này. Giá ngô và đậu tương kỳ hạn giao sau chốt phiên ngày 4/3 lần lượt ở các mức giá 7,50 USD/bushel và 17 USD/bushel, mức cao kỉ lục từ tháng 5/2021 và tháng 9/2012.
Giữa bất ổn địa chính trị liên quan đến điểm nóng Ukraine, giới đầu tư toàn cầu có xu hướng chuyển sang các loại tài sản mang tính phòng thủ, được coi là điểm trú ẩn an toàn. Đồng USD của Mỹ tăng giá mạnh, chốt phiên kết thúc tuần với mức tăng 1,96%, mức cao nhất kể từ tháng 7/2020.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện ở mức 98,51. Ngoài diễn biến bất ổn ở Ukraine, đồng USD cũng được hỗ trợ bởi thông tin Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố ủng hộ mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp trong tháng 3 này để kiềm chế tình trạng lạm phát gia tăng.
Riêng với đồng euro, đồng tiền này đã trải qua một tuần giao dịch mất giá mạnh nhất trong gần hai năm trở lại đây. Căng thẳng Ukraine làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng tại châu Âu khi khu vực này phụ thuộc lớn vào nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt từ Nga. Trong phiên giao dịch ngày 4/3, giá đồng euro giảm 0,8% xuống còn 1 euro đổi được 1,0967 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.
Giá vàng thế giới cũng có tuần tăng giá mạnh, với mức tăng 4%. Chốt phiên ngày 4/3, giá vàng kỳ hạn Mỹ phiên này đã tăng 30,70 USD (tương đương 1,6%) lên 1.966,60 USD/ounce.