Trong phiên giao dịch sáng 4/3, chỉ số chứng khoán châu Á Thái Bình Dương MSCI (không kể Nhật Bản) đã giảm 1,6%, ở mức 585,5 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. So với cùng thời điểm năm ngoái, chỉ số MSCI đã giảm tổng cộng 7%.
Các thị trường chứng khoán giao dịch chủ chốt của châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc), Australia cũng đồng loạt đỏ sàn, với mức giảm điểm lần lượt là 2,6%, 1,3%, 0,7%, 2,7% và 0,7%.
Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến 3 chỉ số chủ lực là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đồng loạt giảm điểm sau phiên khởi sắc ngày trước đó. Dow Jones giảm 0,96%, S&P 500 giảm 0,53% và Nasdaq Composite có mức giảm mạnh nhất 1,56%.
Tại châu Âu, các thị trường chứng khoán Paris (Pháp), Frankfurt (Đức) và London (Anh) đều ghi nhận mức giảm nhiều hơn cả - 1,8%.
Trong phiên giao dịch 3/3, giá dầu thế giới giảm 2%, sau khi vọt lên mức cao nhất trong khoảng một thập kỷ, giữa những kỳ vọng Mỹ và Iran sẽ sớm nhất trí về một thỏa thuận hạt nhân và gia tăng nguồn cung dầu cho thị trường toàn cầu. Thị trường dầu mỏ biến động mạnh, với giá dầu tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm do lo ngại về tình trạng gián đoạn xuất khẩu của Nga - quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất ra thị trường toàn cầu
Chốt phiên, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 2,47 USD (2,2%) xuống 110,46 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,93 USD (2,6%) xuống 107,67 USD/thùn
Trước đó, giá dầu Brent có lúc tăng lên 119,84 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 5/2012, giá dầu WTI có lúc vọt lên 116,57 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008.