Vào lúc 14 giờ 52 phút ngày 3/3 (theo giờ Việt Nam), tại thị trường châu Á, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 6,85 USD (6,1%) lên 119,78 USD/thùng, sau khi có lúc vọt lên 119,84 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 5/2012. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 5,81 USD (5,3%) lên 116,41 USD/thùng, sau khi có lúc vọt lên 116,57 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008.
Lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với lĩnh vực lọc dầu của Nga đã làm dấy lên lo ngại hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của các lệnh trừng phạt.
Trong khi áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, Mỹ đã miễn trừ lĩnh vực xuất khẩu dầu và khí đốt của “xứ bạch dương” khi cân nhắc những tác động đối với thị trường dầu toàn cầu và giá năng lượng của Mỹ.
Theo chuyên gia Jeffrey Halley của công ty môi giới tài chính OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ), nếu các nước phương Tây và các tổ chức tài chính toàn cầu tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, giá dầu sẽ tiếp tục tăng cao.
Ngân hàng ANZ của Australia đã nâng dự báo ngắn hạn đối với giá dầu lên 125 USD/thùng, đồng thời cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ tiếp tục gia tăng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất ra thị trường toàn cầu. Cơ quan này cho biết xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga đạt 7,8 triệu thùng/ngày trong tháng Mười Hai.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã quyết định duy trì mức tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng Ba bất chấp giá dầu tăng cao.