Virus Corona mới gây tử vong nhiều hơn SARS
Dịch viêm phổi do virus Corona chủng mới (nCoV) tại Trung Quốc đang trên đường trở thành dịch bệnh chết chóc hơn SARS khi tính đến ngày 8/2 số trường hợp thiệt mạng đã vượt quá 700.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết trong thời điểm từ 2002-2003, dịch SARS đã khiến 774 người tử vong trên toàn cầu và 8.098 trường hợp nhiễm.
Theo kênh CNN (Mỹ) ngày 8/2, đã có hơn 720 người thiệt mạng vì virus Corona, trong đó có một trường hợp ở Philippines và một trường hợp tại Hong Kong (Trung Quốc). Trên toàn cầu có hơn 34.400 người tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhiễm nCoV.
Bệnh viện dã chiến thứ hai được xây trong vài ngày tại Vũ Hán dự định sẽ tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus Corona trong thời gian gần tới. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết bệnh viện này có tên Lôi Thần Sơn, được xây trong 12 ngày và bao gồm 1.500 giường bệnh.
Dưới đây là video thi công bệnh viện Lôi Thần Sơn (nguồn: RT)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khen ngợi Trung Quốc “chuyên nghiệp” trong chiến dịch chống lại dịch viêm phổi do virus Corona. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đã thảo luận về khủng hoảng liên quan đến bệnh dịch này với Chủ tịch Tập Cận Bình qua cuộc điện đàm hôm 6/2. Tổng thống Trump cũng bổ sung rằng Washington và Bắc Kinh đang “hợp tác” về vấn đề này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 7/2 tuyên bố Mỹ dự kiến chi 100 triệu USD hỗ trợ Trung Quốc và các chương trình liên quan đến dịch chống virus Corona của WHO. Ngoài ra, Mỹ đã chuyển gần 17,8 tấn thiết bị y khoa như khẩu trang, máy hô hấp nhân tạo… đến Trung Quốc.
Sau khi Trung Quốc vào ngày 6/2 lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm đã giảm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định rằng hiện vẫn còn quá sớm để kết luận liệu dịch viêm phổi do virus Corona đã đạt đỉnh hay chưa.
Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom trong khi đó cảnh báo đang diễn ra tình trạng thiếu khẩu trang và nhiều thiết bị bảo hộ y tế khác trên toàn thế giới. Ông Tedros Adhanom nêu rõ: “Khi nguồn cung thiếu và nhu cầu tăng cao sẽ xuất hiện khả năng ích trữ để bán với ức giá cao hơn, đó là lý do chúng tôi kêu gọi sự đoàn kết”.
Thị trường chứng khoán toàn cầu và lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm trong ngày 7/2 khi ngày càng có nhiều lo ngại về tác động của nCoV đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Buổi đọc Thông điệp liên bang với nhiều tình tiết đáng chú ý
Tổng thống Donald Trump đã tận dụng bản Thông điệp Liên bang ngày 4/2 để gây ấn tượng trước cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tháng 11.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã tập trung vào thành tựu kinh tế đạt được nhưng qua bài phát biểu, có thể nhận thấy xích mích giữa ông Trump và đảng Dân chủ.
Tổng thống Trump dường như đã quên bắt tay Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Sau khi nhà lãnh đạo Mỹ hoàn thành bài phát biểu, các thành viên đảng Cộng hòa tán thành nhiệt liệt thì bà Nancy Pelosi thẳng tay xé bản in của Thông điệp. Đây là những diễn biến khiến truyền thông để ý trong sự kiện đọc Thông điệp Liên bang Mỹ 2020.
Đài NPR (Mỹ) cho biết trong bản Thông điệp Liên bang, Tổng thống Trump không hề đề cập đến việc ông bị luận tội và cuộc bầu cử năm 2020. Bài phát biểu lần này ông Trump đã nhấn mạnh đến số lượng việc làm mới, tăng chi tiêu quốc phòng và cảnh báo về tình trạng nhập cư trái phép.
Tổng thống Trump cũng nêu lên các chính sách nhắm đến người Mỹ gốc Phi như việc ông ủng hộ những trường đại học dành cho người da màu, “vùng cơ hội thuế” dành cho đầu tư vào những khu vực thu nhập thấp được chỉ định, vốn có đông cư dân người da màu.
Nhà lãnh đạo Mỹ đang muốn nhận thêm ủng hộ từ cử tri người da màu. Một cuộc khảo sát gần đây của Washington Post cho kết quả 9/10 người Mỹ da màu được hỏi cho biết họ không mấy ủng hộ thành tích liên quan đến việc tạo thêm việc làm dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Trump.