Thế giới tuần qua: Căng thẳng Nga-Ukraine lan từ Biển Đen tới G20 ở Argentina

Trong tuần qua, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) và căng thẳng Nga/Ukraine trên Biển Đen là những sự kiện nổi bật của thế giới.

Chạm trán Biển Đen gây căng thẳng Nga-Ukraine

Mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Nga-Ukraine vốn chưa hề yên ả nay lại dậy sóng vì vụ việc xảy ra tại Eo biển Kerch ngày 25/11.

Theo Điện Kremlin, sáng 25/11, ba tàu hải quân Ukraine đã xâm phạm lãnh hải Nga khi từ Biển Đen đi qua Eo biển Kerch tiến vào Biển Azov. Tàu của Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) cùng Hạm đội Biển Đen đã theo sát 3 tàu chiến Ukraine và yêu cầu các phương tiện này dừng lại. Quân đội Nga đã buộc sử dụng vũ khí để ngăn tàu hải quân Ukraine.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong cuộc đụng độ giữa tàu chiến Ukraine và Nga. Ảnh: RT

Có 3 thủy thủ Ukraine bị thương trong vụ việc và đã được điều trị y tế. Nga tiếp đó bắt giữ 3 tàu Ukraine và tuyên bố vụ việc này là động thái thách thức của Ukraine. Trong khi đó Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko lại cáo buộc Nga khiêu khích. Quốc hội Ukraine ngày 26/11 đã thông qua lệnh thiết quân luật trong 30 ngày hiệu lực tới tháng 1/2019.

Tờ Washington Post (Mỹ) đưa tin, tại Ukraine thiết quân luật đồng nghĩa với việc giới lãnh đạo và quân đội nắm thêm quyền lực cần thiết đảm bảo an ninh quốc gia. Thiết quân luật còn tạo điều kiện để Tổng thống Petro Poroshenko, vốn đang nhận tỷ lệ ủng hộ thấp và dự định tái tranh cử trong tháng 3, được ra tay tự do hơn thường lệ.

Dưới đây là video về cuộc đụng độ tại Eo biển Kerch (video dưới, nguồn: RT)

Theo một hiệp ước song phương, cả Nga và Ukraine đề có quyền hoạt động tại Biển Azov. Cửa duy nhất dẫn tới Biển Azov là qua Eo Kerch nối với Biển Đen.

Đối với Ukraine, việc tàu của quốc gia này tiếp cận được Biển Azov là rất quan trọng về khía cạnh kinh tế và chiến lược. Ukraine thường xuất khẩu ngũ cốc và thép qua đường hàng hải vượt Biển Azov. Về phần Nga, quốc gia này lại không chấp nhận trường hợp Hải quân Ukraine thách thức trong khu vực biển này.

Khi căng thẳng tại Eo biển Kerch xảy ra, cả Nga và Ukraine đều lập tức tìm đến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đề nghị tổ chức họp khẩn cấp.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass gợi ý Paris và Berlin “hợp lực” hòa giải khủng hoảng giữa Nga và Ukraine khi Kiev kêu gọi hỗ trợ quân sự từ đồng minh phương Tây.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau đó đánh giá hòa giải là không cần thiết bởi Chính phủ Nga và Ukraine có khả năng tự giải quyết vấn đề. Ngoại trưởng Nga nêu rõ: “Nếu phía Ukraine và các đồng minh tại châu Âu muốn vụ việc tương tự không lặp lại thì Kiev cần gửi đi tín hiệu mạnh mẽ. Không phải là Nga mà chính các quốc gia có mối quan hệ gần gũi với chính quyền Ukraine cần đảm bảo rằng hành vi khiêu khích như vậy không tái diễn”.

Vụ việc tại Eo biển Kerch không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ Nga-Ukraine, Tổng thống Trump ngày 29/11 đăng trên mạng xã hội Twitter rằng ông quyết định hủy cuộc gặp song phương với Tổng thống Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vì vụ việc Nga bắt giữ 3 tàu chiến của Hải quân Ukraine trên Eo biển Kerch.

Hội nghị G20 chồng chéo nội dung thảo luận

Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã khai mạc tại Argentina ngày 1/12. Đây là hội nghị được quan tâm đặc biệt, không chỉ bởi tròn 10 năm tổ chức hội nghị mà còn vì những biến động của thế giới thời gian gần đây.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin do lo ngại không có tuyên bố chung trong hội nghị thượng đỉnh năm nay, đoàn các nền kinh tế thành viên tới từ châu Âu đã nỗ lực để tạo tiếng nói chung và có khả năng đưa ra tuyên bố riêng nếu không thể thuyết phục Mỹ đồng ý kiến.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo G20. Ảnh: Reuters

Hội nghị G-20 năm nay ban đầu đặt mục tiêu tập trung vào các vấn đề như đầu tư, cơ sở hạ tầng nhưng khi các nhà lãnh đạo cùng ngồi trên bàn thảo luận thì những chủ đề như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Nga bắt 3 tàu chiến Ukraine tại Biển Đen lại được ưu tiên hơn.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk khuyến khích các nhà lãnh đạo G-20 tập trung vào “chiến tranh thương mại, tình hình Syria và Yemen cũng như căng thẳng ngoại giao Nga-Ukraine”.

Vấn đề khác cũng bao trùm hội nghị G-20 trong năm nay tại Buenos Aires là vụ nhà báo Saudi Arabia Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Saudi Arabia bác bỏ cáo buộc Thái tử Mohammed bin Salman có nhúng tay vào vụ sát hại này, song vẫn có hoài nghi từ các nhà lãnh đạo G20.

Chú thích ảnh
Mỹ, Mexico và Canada đã ký USMCA. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, bên lề hội nghị G-20, vào ngày 30/11, Mỹ, Canada và Mexico đã ký thỏa thuận thương mại thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có tên Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Tuy hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga Putin bên lề hội nghị G-20 nhưng Tổng thống Trump vẫn có một lịch trình gặp gỡ rất bận rộn với nhiều nhà lãnh đạo khác. Theo đó, Tổng thống Trump đã có cuộc gặp được đánh giá là "tích cực" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thảo luận và tìm tiếng nói chung hạ nhiệt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngày 1/12, sau hai ngày làm việc khẩn trương và căng thẳng, Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã chính thức khép lại với việc thông qua tuyên bố chung, khẳng định sự đồng thuận trong những vấn đề được coi là gai góc nhất và có nhiều sự khác biệt nhất như thương mại quốc tế, bảo vệ môi trường và di cư. Tuy nhiên, giới phân tích cũng đánh giá tuyên bố chung của hội nghị năm nay chưa toàn diện, còn nhiều thiếu sót, một phần vì sự khác biệt khá lớn về ưu tiên của các nền kinh tế thành viên khi tới Bueno Aires.

Hà Linh/ Báo Tin tức
Thái tử Saudi Arabia bị lãnh đạo G20 lạnh nhạt khi chụp 'ảnh gia đình'
Thái tử Saudi Arabia bị lãnh đạo G20 lạnh nhạt khi chụp 'ảnh gia đình'

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman dường như đã bị "ra rìa" trong màn chụp "ảnh gia đình" chính thức của các nhà lãnh đạo G20 tại Buenos Aires.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN