Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc họp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), vì căng thẳng giữa Nga với Ukraine – sự kiện được cho là động thái mới nhất trong loạt âm mưu ngăn chặn mọi cuộc đối thoại giữa Moskva và Washington.
Sau khi tham vấn Cố vấn An ninh Quốc gia có quan điểm “diều hâu” John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo, Tổng thống Trump đã lựa chọn hủy cuộc gặp được lên kế hoạch trước với người đồng cấp Putin bên lề Hội nghị G20 tổ chức tại Argentina. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump chấp nhận “khuất phục” trước các thế lực muốn ngăn ông đối thoại với người đồng cấp Nga – song không phải là lần đầu tiên các âm mưu đó xuất hiện.
Ba ngày trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Putin tại Helsinki (Phần Lan) hồi tháng 7/2018, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã “kích nổ một quả bom” không báo trước khi buộc tội 12 công dân Nga với tội danh tấn công mạng đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Công tố viên Mueller hiện phụ trách cuộc điều tra xem có vụ cấu kết giữa đội ngũ vận động tranh cử của ứng viên Trump với Nga hay không.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, Chuck Schumer, đánh giá: “Việc Tổng thống Trump bắt tay với người đồng cấp Putin ở thời điểm có cáo buộc liên quan tới 12 công dân Nga là xúc phạm đến nền dân chủ của chúng ta”, cho rằng Tổng thống Trump nên ngừng cuộc họp với nhà lãnh đạo Nga Putin.
Phản ứng trước thông tin buộc tội, Bộ Ngoại giao Nga cho biết động thái dường như được tính toán từ trước nhằm phá hoại cuộc gặp mặt.
“Thời gian xảy ra sự kiện không phải là trùng hợp ngẫu nhiên. Điều đó buộc Tổng thống Trump đối đầu với ông Putin. Nếu như ông không làm thế, điều đó đồng nghĩa ông nhận tội”, John Dean – một cựu cố vấn Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Richard Nixon – lý giải.
Đây chính xác là phương thức mà truyền thông và giới chính trị muốn "dựng khung" Hội nghị Helsinki. Công bố cáo trạng nhưng Tổng thống Trump lại không đề cập đến vấn đề “Nga can thiệp bầu cử” tại cuộc gặp với người đồng cấp Putin, giới phê bình tại Mỹ ngay lập tức nổi giận chỉ trích. Một số người thậm chí còn cáo buộc Tổng thống Trump phạm tội “phản quốc”.
Mức độ nghiêm trọng trong phản ứng của giới phê bình dường như buộc chính quyền Trump phải hoãn cuộc họp tiếp theo. Vào cuối tháng 7, Cố vấn Bolton thông báo chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Washington, ban đầu được lên kế hoạch "vào mùa thu" năm 2018, sẽ diễn ra vào đầu năm 2019, "sau khi cuộc săn lùng phù thủy Nga kết thúc".
Thay vào đó, ông Bolton tới Moskva. Ngay trước chuyến đi của ông, một lần nữa vào cuối tháng 10, công tố viên đặc biệt Mueller lại tuyên bố một cáo trạng khác.
Quay trở lại diễn biến đụng độ giữa Hải quân Nga và Ukraine xảy ra trước thềm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Putin tại Argenina, giới chuyên gia nhận định không loại trừ khả năng sự khiêu khích ở Eo biển Kerch tìm cách làm lu mờ cuộc họp sắp tới giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Trump cũng như ngăn cản hai nhà lãnh đạo “xích lại gần nhau”.
Trả lời phỏng vấn Sputnik, Nina Bashkatov - một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Liege (Bỉ) – lí giải: “Sự cố Eo biển Kerch xảy ra đúng lúc để ‘đầu độc’ cuộc gặp tại Hội nghị G20, nơi hai nhà lãnh đạo Trump và Putin sẽ gặp nhau vào cuối tuần này. Đây là một sự khiêu khích có chiến thuật, được hình thành để ngăn chặn bất kỳ sự xích lại gần nhau giữa các siêu cường quốc”, chuyên gia Bashkatov bày tỏ.