Thế giới có trên 112 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 22/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 112.046.995 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 2.479.702 người đã tử vong.

Số người nhiễm đã phục hồi trên toàn cầu đến nay là 87.408.514 người, trong khi số người đang điều trị là  22.158.779 ca.

Với 28.767.835 ca nhiễm và 511.302 ca tử vong, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trên thế giới. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 11.008.665 ca mắc, trong đó có 156.457 ca không qua khỏi. Tiếp theo là Brazil với 10.168.174 ca mắc và 246.560 ca tử vong. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Munich, Đức ngày 25/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, hàng trăm nghìn học sinh Đức đã được quay trở lại trường học sau hai tháng nghỉ học nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch. Các trường học và trung tâm chăm sóc trẻ đã được mở cửa trở lại tại 10 khu vực của Đức, trong đó có thủ đô Berlin và bang đông dân nhất của nước này North-Rhine Westphalia. Hầu hết các trường đều hạn chế việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 quay trở lại trường học. Sĩ số lớp cũng giảm 50%, và các học sinh đều phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trong đó có đeo khẩu trang và mở cửa lớp học. Dù các trường học tại 10 bang của Đức đã được mở cửa trở lại, nhưng nước này đã gia hạn các hạn chế ngăn ngừa dịch bệnh đến ngày 7/3. Dự kiến, các cửa hàng tóc cũng sẽ được mở cửa trở lại vào tuần tới

Thủ tướng Angela Merkel dự định đưa ra một chiến lược thận trọng để dần mở cửa lại nền kinh tế - xã hội ở Đức. Việc mở cửa phải được thực hiện một cách linh hoạt và đồng bộ với việc mở rộng quy mô xét nghiệm.  Theo đó, Đức sẽ dần thực hiện nới lỏng hạn chế ở 3 lĩnh vực, thứ nhất là các tiếp xúc cá nhân; thứ hai là ở các trường học, trường dạy nghề và thứ ba là lĩnh vực thể thao, nhà hàng và văn hóa. Việc điều chỉnh sẽ được theo dõi và tiến hành sau mỗi giai đoạn khoảng nửa tháng để biết được hiệu quả và tình hình dịch bệnh sau giai đoạn được nới lỏng trước đó. Theo thông báo của Viện dịch tễ (RKI), chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày ở Đức/100.000 dân đã tăng từ 57,8 lên mức 61,0. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Đức từ đầu dịch đã lên tới 2,39 triệu ca, trong đó có trên 67.900 ca tử vong.

Tại Anh, các trường học ở xứ England sẽ mở cửa trở lại vào ngày 8/3, 2 người có thể gặp gỡ nhau ngoài trời và có thể uống cà phê cùng nhau. Sau đó, vào ngày 29/3, hai gia đình, tương đương với 6 người, có thể gặp gỡ  nhau bên ngoài và các hoạt động thể thao ngoài trời cũng sẽ được nối lại. Lộ trình trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Anh vừa quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế  nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. 

Tại Ba Lan, chính phủ nước này dự kiến công bố các quy định mới về điều kiện nhập cảnh, Theo đó, những người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính, người nhập cảnh sẽ không phải tiến hành cách ly. Hiện Chính phủ Ba Lan cũng không có kế hoạch tái áp đặt các biện pháp hạn chế trong thời gian tới. Hiện, Ba Lan đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 sau khi ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm gần đây, với khoảng 8.000 ca mỗi ngày. Lực lượng chức năng nhận định Ba Lan có thể chạm ngưỡng đỉnh dịch vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới.      

Tại châu Á,  trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát sau “sự kiện cộng đồng 20/2”, tối 22/2, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia ra thông báo Thủ tướng Hun Sen đã đồng ý đề xuất của bộ này cho phép tạm ngừng hoạt động tất cả các trường công lập và trường tư thục tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal (giáp ranh)  trong thời gian 2 tuần.

Chú thích ảnh
Người dân chờ 30 phút sau khi được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 18/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, sáng 22/2, Bộ Y tế Campuchia đã thông báo tiếp tục phát hiện 35 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, trong đó có 31 trường hợp lây nhiễm trong “sự kiện cộng đồng 20/ 2”  và 4 ca lây nhiễm từ nước ngoài nhập cảnh Campuchia.

Theo Bộ Y tế Campuchia, tính đến 7h00 ngày 22/2/2021, Campuchia đã phát hiện 568 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, đã có 473 trường hợp được chữa khỏi và 95 trường hợp khác đang tiếp tục điều trị tại các bệnh viện.

Chính phủ Thái Lan cũng đã gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho đến cuối tháng 3, đồng thời cho phép nới lỏng một số biện pháp kiềm chế sự lây lan của COVID-19. Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, được ban bố từ tháng 3/2020 và đã được gia hạn nhiều lần, cho phép chính phủ thực thi các biện pháp cách ly bắt buộc và phối hợp các kế hoạch kiểm soát dịch bệnh mà không cần sự phê chuẩn của nhiều cơ quan khác nhau. Dự kiến, việc nới lỏng các biện pháp kiềm chế COVID-19 sẽ được áp dụng cho tất cả các tỉnh ngoại trừ Samut Sakhon - tâm điểm của đợt bùng phát thứ hai dịch COVID-19 của Thái Lan. 

Tại Ấn Độ, chính quyền thành phố Mumbai đã phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới do số ca nhiễm mới nơi đây gia tăng. Theo đó, toàn bộ các cuộc tụ họp tôn giáo, xã hội và chính trị đều bị cấm ở Mumbai cũng như tại các địa phương của bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ, nơi sinh sống của khoảng 110 triệu người, sau khi các ca nhiễm ở đây lên cao bằng mức hồi tháng 10/2020. 

Thủ hiến bang Maharashtra, ông Uddhav Thackeray, quan ngại nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai dịch COVID-19 tại bang này, vốn đã cướp đi sinh mạng của gần 52.000 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Do đó, ông đề nghị người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang và tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch. Chính quyền bang sẽ xem xét lại tình hình sau 8 ngày nữa và sẽ quyết định về việc có phong tỏa hay không.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Cát Lâm, Trung Quốc ngày 19/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Trung Quốc đại lục đã hạ mức cảnh báo dịch bệnh tại những khu vực cuối cùng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Cụ thể, chính quyền tỉnh Hắc Long Giang (Heilongjiang) đã quyết định đưa mức cảnh báo dịch bệnh của huyện Vọng Khuê xuống mức thấp sau khi không ghi nhận trường hợp mắc mới hoặc không có triệu chứng trong 2 tuần qua. Trước đó, thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc cũng đã hạ mức cảnh báo đối với quận Cảo Thành sau 2 tuần tiến hành xét nghiệm sàng lọc mà không phát hiện ca nhiễm mới nào. Như vậy, hiện không còn khu vực nào ở Trung Quốc đại lục nằm trong khu vực có nguy cơ cao hoặc trung bình với đại dịch này. 

Liên quan tới hoạt động bào chế vaccine ngừa COVID-19,  hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh và Sanofi của Pháp thông báo đã bắt đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng mới đối với một ứng cử viên vaccine phòng COVID-19 và đặt mục tiêu tiến tới giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vào quý II/2021. Theo hai hãng dược phẩm trên, cuộc thử nghiệm mới sẽ được tiến hành trên 720 người trưởng thành khỏe mạnh ở Mỹ, Honduras và Panama nhằm đánh giá độ an toàn, cũng như phản ứng miễn dịch của vaccine. Những người tham gia thử nghiệm vaccine sẽ được tiêm 2 mũi vaccine, với mỗi mũi cách nhau 21 ngày. Nếu kết quả thử nghiệm thành công, GSK và Sanofi hy vọng vaccine này sẽ được phê chuẩn sử dụng trong quý IV/2021 so với mục tiêu đề ra ban đầu là trong 6 tháng đầu năm nay. Ứng cử viên vaccine của hai hãng này có sử dụng sử dụng công nghệ sản xuất dựa trên protein tái tổ hợp giống như vaccine phòng cúm mùa của hãng Sanofi, kết hợp với tá dược do GSK bào chế.

Còn Philippines đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinovac Biotech. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 được quốc gia Đông Nam Á gồm 108 triệu dân này cấp phép lưu hành khẩn cấp, sau vaccine của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca. 

Minh Châu (TTXVN)
Nga và Nhật Bản cùng ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày giảm
Nga và Nhật Bản cùng ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày giảm

Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của LB Nga cho biết tính đến sáng 22/2 số ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này trong vòng 24 giờ qua là 12.604 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN