Thành công và rào cản trong cuộc đua tự chủ công nghệ của Trung Quốc

Dù đã đổ hàng trăm tỷ USD vào chiến lược "Made in China 2025", Bắc Kinh vẫn chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu chip nội địa và phải chi gần 400 tỷ USD nhập khẩu bán dẫn mỗi năm. Liệu tham vọng thoát khỏi sự phụ thuộc vào phương Tây có thể thành hiện thực?

Chú thích ảnh
Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Wall Street Journal, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược tự chủ về công nghệ và sản xuất, nhằm giảm phụ thuộc vào thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, nỗ lực này đang đòi hỏi một cái giá không hề nhỏ.

Từ năm 2015, thông qua sáng kiến "Made in China 2025", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chính thức hóa tham vọng biến nước này trở nên tự chủ hơn. Bắc Kinh đã rót hàng trăm tỷ USD vào các ngành trọng điểm, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất cao cấp. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chi tiêu hàng năm của Trung Quốc cho chính sách trong các ngành đã lên tới khoảng 250 tỷ USD tính đến năm 2019.

Những thành công đáng kể

Chiến lược này đã đạt được nhiều thành công ấn tượng trong một số lĩnh vực. Điển hình là ngành xe điện khi đầu tư vào ngành này đã tăng từ 15 tỷ USD năm 2019 lên hơn 45 tỷ USD năm 2023. Kết quả là xe điện và xe hybrid (lai) đã chiếm 48% doanh số bán xe du lịch tại Trung Quốc năm ngoái, với gần 11 triệu xe được bán ra. BYD, một thương hiệu nội địa, thậm chí đã vượt qua tập đoàn Volkswagen (Đức) để trở thành nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất Trung Quốc.

Trong lĩnh vực đóng tàu, sau khi đầu tư 132 tỷ USD từ 2010 đến 2018, Trung Quốc đã kiểm soát hơn 50% sản lượng toàn cầu, tăng mạnh so với mức 5% năm 1999. Ngành hóa chất cũng chuyển từ thâm hụt 40 tỷ USD năm 2020 sang thặng dư xuất khẩu 34 tỷ USD năm 2024.

Thách thức và rào cản

Tuy nhiên, chiến lược tự chủ của Trung Quốc vẫn đang đối mặt với nhiều trở ngại đáng kể. Trong ngành bán dẫn, mặc dù đã có những nỗ lực lớn, sản xuất trong nước vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu chip của Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 70% đề ra cho năm 2025. Năm ngoái, nước này vẫn phải chi gần 400 tỷ USD để nhập khẩu chip.

Máy bay phản lực C919, dù được ca ngợi là một bước tiến lớn trong ngành hàng không vũ trụ, vẫn phải phụ thuộc nhiều vào linh kiện nước ngoài, từ bánh đáp của Đức đến động cơ của Mỹ và Pháp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2024, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu tới 105 triệu tấn đậu nành, tăng 21% so với năm 2019.

Theo Alfredo Montufar-Helu, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại nhóm nghiên cứu Hội đồng quản trị ở Bắc Kinh, cái giá phải trả cho nỗ lực này là ngốn rất nhiều vốn. Nhiều nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc nên tập trung vào việc xây dựng mạng lưới an sinh xã hội để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, thay vì tiếp tục đổ tiền vào cơ sở công nghiệp và tích lũy thêm nợ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như đã quyết tâm theo đuổi con đường này, coi đó là vấn đề an ninh quốc gia. Như một phát thanh viên của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã nhấn mạnh: "Tự lực cánh sinh trong khoa học và công nghệ là nền tảng cho sức mạnh và sự thịnh vượng của quốc gia chúng ta, và cần thiết cho an ninh của chúng ta".

Trong khi những thành công trong một số lĩnh vực đã chứng minh hiệu quả của chiến lược này, chi phí và rủi ro đi kèm cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho tương lai phát triển của kinh tế Trung Quốc.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo wsj.com)
Trung Quốc có 27 thành phố GDP nghìn tỷ Nhân dân tệ
Trung Quốc có 27 thành phố GDP nghìn tỷ Nhân dân tệ

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, mới đây, nhiều địa phương của Trung Quốc đã công bố “báo cáo kinh tế” năm 2024, trong đó có 27 thành phố có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực đạt hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN