Theo báo cáo điều tra ban đầu, vụ tai nạn tàu hỏa vào ngày 28/2 tại miền Trung Hy Lạp khiến đã ít nhất 57 người thiệt mạng và hàng chục người khác phải nhập viện xuất phát từ sai sót của con người.
Trong đoạn băng ghi âm, người quản lý nhà ga đã nói với một lái tàu vượt tín hiệu đèn đỏ trước khi tàu này xảy ra va chạm trực diện với một đoàn tàu khác. Trưởng ga đã bị bắt giữ ngay sau vụ việc và chờ xét xử. Người này bị buộc tội ngộ sát do sơ suất và các tội danh khác. Ban đầu, ông ta phủ nhận mọi hành vi sai trái trong vụ việc và đổ cho lỗi kỹ thuật.
Tuy nhiên, các nhà điều tra đã phát hiện ra rằng người quản lý này đã không chuyển đổi tuyến đường sắt, khiến cho đoàn tàu chở khách và tàu chở hàng va chạm trực diện với vận tốc lên tới 160 km/h.
Chuyến tàu chở khách đi từ Athens đến Thessaloniki chở khoảng 350 hành khách, trong đó có nhiều sinh viên trở về sau lễ hội hóa trang. Hai đoàn tàu đã va chạm dưới một đường cao tốc ở miền Trung Hy Lạp.
Những người sống sót sau vụ tai nạn cho biết cú va chạm mạnh đã khiến một số hành khách văng ra ngoài cửa sổ. Lực lượng cứu hộ xác nhận một số thi thể được tìm thấy cách nơi xảy ra vụ tai nạn hơn 30 m. Ít nhất ba trong số các toa tàu bốc cháy, khiến lực lượng cứu hộ gặp khó khăn trong việc xác định danh tính một số thi thể.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Hy Lạp Kostas Karamanlis đã từ chức ngay sau vụ tai nạn. Karamanlis cho biết ông đã làm mọi thứ có thể để cải thiện an toàn tàu hỏa ở Hy Lạp nhưng dịch vụ đường sắt của nước này vẫn ở trong tình trạng không phù hợp với thời điểm hiện tại.
Cuối tuần qua, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Athens phản ứng trước thảm kịch. Hơn 10.000 người tràn ra đường. Các công nhân đường sắt cũng đã đình công, nói rằng nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn là do thiếu các quy định và thiết bị an toàn mà họ đã yêu cầu trong nhiều năm.
Quan chức Hy Lạp tuyên bố một hệ thống giám sát và báo hiệu đã được nước này mua từ năm 2000, nhưng vẫn chưa được lắp đặt. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis thừa nhận nếu có một hệ thống như vậy, tai nạn không thể xảy ra.
Năm 2017, để tuân thủ yêu cầu của Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm giảm nợ trong cuộc khủng hoảng tài chính, Hy Lạp đã tư nhân hóa các công ty đường sắt của mình, bán tiện ích công cộng cho Tập đoàn Ferrovie dello Stato Italiane có trụ sở tại Italy.