Theo quyết định trên, Sri Lanka sẽ áp dụng mức thuế cao hơn nhiều chủ yếu nhằm vào các mặt hàng xa xỉ, ngoài tầm với của hầu hết người dân nước này nhưng được sử dụng phổ biến tại các khách sạn phục vụ du khách nước ngoài vốn là một nguồn thu chính. Từ ngày 1/6, phô mai và sữa chua nhập khẩu được áp mức thuế mới 2.000 rupee Sri Lanka/1kg (5,5 USD/1kg). Thuế đối với sôcôla tăng 200%. Các mức thuế bổ sung cũng được áp dụng với trái cây nhập khẩu, trong khi thuế đối với tất cả các loại đồ uống có cồn và thiết bị điện tử cũng tăng gấp đôi.
Trước đó, hồi tháng 3/2020, Chính phủ Sri Lanka đã áp đặt lệnh cấp nhập khẩu nhằm bảo vệ nguồn dự trữ ngoại hối, nhưng sau đó dần cho phép nhập khẩu có điều kiện. Tuy nhiên, chính phủ hiện đã quyết định dỡ bỏ cơ chế cấp phép này, thay vào đó sẽ tăng thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu. Lệnh cấm nhập khẩu các phương tiện giao thông, phụ tùng và máy móc vẫn có hiệu lực.
Dù một số biện pháp hạn chế nhập khẩu đã được nới lỏng nhưng các nhà nhập khẩu vẫn không thể thanh toán tiền hàng do các ngân hàng thương mại đã cạn kiệt ngoại tệ.
Sri Lanka đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thiếu thốn thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men trong khi lạm phát cao kỷ lục và không đủ điện sử dụng. Cuộc sống người dân khó khăn dẫn tới những bất ổn chính trị và xã hội leo thang.
Hiện Sri Lanka đang đàm phán với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về các gói cứu trợ cũng như phải thảo luận về tái cơ cấu nợ với các chủ nợ. Chính phủ nước này cho biết cần 3-4 tỷ USD để thoát khỏi khủng hoảng hiện nay. Sri Lanka đang gánh khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ USD.