Sri Lanka định ngừng in tiền khi lạm phát tăng vọt lên gần 60%

Trong tình hình đã hết USD để mua nhiên liệu và đang in đồng rupee để trả lương, Sri Lanka định ngừng in đồng nội tệ để ngăn chặn lạm phát đang tăng nhanh nhất châu Á.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ mua dầu hỏa tại Colombo, Sri Lanka ngày 17/6. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Bloomberg ngày 5/7, trước khi rà soát chính sách tiền tệ vào ngày 7/7, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã nói với quốc hội rằng tỷ lệ lạm phát ước tính sẽ tăng lên 60%. Ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán về một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rất phức tạp vì quốc gia đã phá sản.

Ông cho biết vào cuối tháng 8, Sri Lanka sẽ trình lên IMF kế hoạch tái cơ cấu nợ.

Sri Lanka không có tiền để nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, phân bón, thuốc men và nhiên liệu thiết yếu do thiếu đồng USD nghiêm trọng.

Giá tiêu dùng tăng 54,6% trong tháng 6 so với một năm trước đó, trong đó chi phí giao thông vận tải tăng 128% so với tháng trước và chi phí thực phẩm tăng 80% trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng cây trồng và dầu thô.

Phát biểu sau chuyến thăm gần đây của phái đoàn IMF, Thủ tướng Wickremesinghe cho biết chính phủ hy vọng sẽ được phê duyệt chương trình tài trợ 4 năm, khi ông vạch ra lộ trình đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.

Tuần trước, IMF cho biết các cuộc đàm phán với Sri Lanka là mang tính xây dựng, làm dấy lên hy vọng rằng Sri Lanka sẽ sớm thông qua sơ bộ một gói hỗ trợ tài chính đang rất cần thiết.

Trong khi đó, số liệu chính thức cho thấy kinh tế Sri Lanka trong quý I năm nay giảm 1,6% trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng chưa từng thấy tại nước này bắt đầu tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại.

Theo Cơ quan Thống kê và Tổng điều tra Sri Lanka, kinh tế sụt giảm trong 3 tháng đầu năm do tác động xấu của tình trạng lạm phát và giá đồng nội tệ giảm. Lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học và thuốc trừ sâu hồi năm 2021, nhưng được bãi bỏ sau đó, cũng gây ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp. Sản lượng gạo của Sri Lanka trong quý I năm nay giảm 33%. Cơ quan này cũng cho biết tình trạng thiếu nhiên liệu hiện nay cũng gây tác động nghiêm trọng đến ngành vận tải và công nghiệp.

Sri Lanka đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập cách đây 74 năm. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra trong những tuần gần đây khi nước này rơi vào tình trạng thiếu lương thực, giá nhiên liệu tăng vọt và cắt điện trên diện rộng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Sri Lanka duy trì an ninh cao trước nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố
Sri Lanka duy trì an ninh cao trước nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố

Bộ Quốc phòng Sri Lanka ngày 5/7 cho biết các nguồn tin từ cơ quan tình báo nước này đã cảnh báo về các vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra vào ngày 5-6/7, tuy nhiên Bộ này cũng kêu gọi dân chúng tránh tâm lý hoang mang trong bối cảnh thông tin chưa xác thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN