Sri Lanka có đợt cắt điện luân phiên dài nhất trong 26 năm vì thiếu nhiên liệu

Hôm 2/3, Sri Lanka đã thông báo triển khai đợt cắt điện trên toàn quốc kéo dài 7,5 tiếng/ngày, lâu nhất trong hơn 1/4 thế kỷ, do cuộc khủng hoảng ngoại hối khiến nước này không thể nhập khẩu dầu.

Chú thích ảnh
Biển báo hết xăng tại một trạm nhiên liệu của Tập đoàn Dầu khí Ceylon đã đóng cửa ở Colombo, Sri Lanka. Ảnh: AFP

Theo tờ Economic Times, Ủy ban Hạ tầng Công cộng của Sri Lanka cho biết đây là “ngày đen tối” đối với đất nước khi chính quyền phải công bố lệnh phân bổ điện bắt đầu từ ngày 2/3 do các nhà máy điện đều đã cạn kiệt nhiên liệu. 

“Điều mà chúng ta đang phải đối mặt không chỉ là vấn đề công suất điện, mà còn là khủng hoảng ngoại hối”, cơ quan này nói và cho biết thêm rằng Sri Lanka đang không thể tìm được nguồn ngoại tệ để nhập khẩu dầu. 

Đợt cắt điện này diễn ra lâu nhất kể từ năm 1996 đến nay. Khi đó, quốc gia này phụ thuộc chủ yếu vào thủy điện, với 80% công suất điện phát đi từ hệ thống này. Ngoài ra, tình trạng hạn hán kéo dài cũng khiến các hồ chứa cạn kiệt, buộc giới chức phải cắt điện trên diện rộng. 

Theo chỉ thị mới, tất cả các cơ quan nhà nước cũng được yêu cầu tắt điều hòa tại nơi làm việc vào buổi chiều để tiết kiệm năng lượng. Các nhà điều hành xe buýt cho biết họ không thể mua được dầu diesel để vận hành phương tiện. Khoảng một nửa trong tổng số 11.000 chiếc xe buýt của nước này đã phải dừng hoạt động. 

Một trong những công ty phân phối xăng dầu lớn nhất tại Sri Lanka - Lanka IOC - cho biết họ đã tăng giá bán xăng thêm 12% từ hôm 26/2. Trong khi đó, công ty xăng dầu nhà nước Ceylon Petroleum Corporation (CPC) cho biết đang xin phép chính phủ để tăng giá xăng. Tuy nhiên, nhiều cây xăng tại Sri Lanka đã hết hàng khi người dân đổ xô đến xếp hàng mua xăng dự trữ.

Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Udaya Gammanpila nhận định cuộc khủng hoảng năng lượng tại nước này là do việc thiếu ngoại tệ. Ông mô tả đây là “cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất” kể từ khi quốc gia Nam Á này giành được độc lập vào năm 1948.

Trong khi đó, ngành du lịch, xương sống của nền kinh tế Sri Lanka và là lĩnh vực thu hút ngoại tệ nhiều nhất, gần như đã sụp đổ vì đại dịch. Cùng với mức chi tiêu tăng vọt, việc cắt giảm thuế đã khiến nguồn thu của đất nước bị thâm hụt, các khoản trả nợ lớn với Trung Quốc và dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong một thập kỷ. Ngoài ra, việc Chính phủ Sri Lanka in tiền để trả các khoản vay trong nước và trái phiếu nước ngoài đã thúc đẩy lạm phát tăng cao. 

Ngân hàng Thế giới ước tính khoảng 500.000 người dân ở Sri Lanka đang sống trong tình trạng dưới mức nghèo đói kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Giá cả leo thang đã khiến những người dân, dù trước đây rất khá giả, cũng đang phải vật lộn để nuôi sống gia đình. Nhiều người thậm chí không đủ khả năng chi trả cho các loại hàng hóa thiết yếu. 

Các chuyên gia nhận định khi khủng hoảng tài chính và y tế ngày càng trầm trọng, Sri Lanka có thể đứng trước nguy cơ vỡ nợ trong năm 2022 khi lạm phát tăng lên mức kỷ lục, giá lương thực tăng vọt và kho bạc cạn kiệt. 

Hải Vân/Báo Tin tức
Sri Lanka đề nghị Trung Quốc tái cấu trúc nợ
Sri Lanka đề nghị Trung Quốc tái cấu trúc nợ

Tổng thống Sri Lanka vào ngày 9/1 đã đề nghị Trung Quốc tái cơ cấu các khoản vay của nước này và được tiếp cận tín dụng ưu đãi đối với nhập khẩu một số mặt hàng thiết yếu bởi quốc đảo này đang gặp khó khăn kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN