Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết khi gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã nói rằng “đó là một sự hỗ trợ lớn nếu có thể chú ý đến việc cơ cấu lại các khoản trả nợ như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế đã gia tăng do dịch COVID-19”.
Tổng thống Rajapaksa cũng đề nghị ông Vương Nghị cung cấp một khoản tín dụng ưu đãi cho hàng nhập khẩu để các ngành công nghiệp có thể hoạt động mà không bị gián đoạn. Ông Rajapaksa cũng đề nghị hỗ trợ để tạo điều kiện cho du khách Trung Quốc đến Sri Lanka trong một "bong bóng du lịch" an toàn. Ngoại trưởng Vương Nghị đã đến thăm Sri Lanka vào ngày 8/1.
Sri Lanka đang đối mặt với một trong những khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất với dự trữ ngoại hối còn khoảng 1,6 tỷ USD. Vào năm 2022 này, Sri Lanka còn có nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hơn 7 tỷ USD.
Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương cho thấy Trung Quốc đã cho Sri Lanka vay tổng cộng 3,38 tỷ USD, không tính những khoản vay cho doanh nghiệp nhà nước. Trung Quốc là "chủ nợ" lớn thứ tư của Sri Lanka, sau Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển châu Á và nhiều thị trường tài chính quốc tế.
Do thiếu dự trữ ngoại hối, nhiều nhà nhập khẩu đã không thể giao dịch hàng hóa đồng thời gặp khó khăn trong việc mua nhiên liệu thô từ nước ngoài.
Trong tháng 12/2021, một bộ trưởng Sri Lanka cho biết nước này lên kế hoạch trả nợ nhập khẩu dầu từ Iran bằng trà, một mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng của quốc gia Nam Á này. Theo đó, Sri Lanka dự kiến mỗi tháng gửi số trà trị giá 5 triệu USD cho Iran để trả khoản nợ 251 triệu USD mua dầu mỏ.
Vào tháng 9, Sri Lanka tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế sau khi đồng tiền giảm giá trị khiến giá thực phẩm tăng. Giới chức Sri Lanka cho biết họ sẽ lấy lại kiểm soát nguồn cung những mặt hàng thực phẩm cơ bản như gạo, đường và đưa ra các mức giá để kiểm soát lạm phát.