Số phận chính phủ liên minh Đức trong tay đảng viên SPD

Lần đầu tiên trong lịch sử nước CHLB Đức, đảng viên của một đảng được quyền quyết định việc thành lập chính phủ liên minh ở nước này. Và như vậy, số phận một chính phủ liên minh nhiệm kỳ 2013-2017 sẽ nằm trong cái "gật" hay cái "lắc" của 470.000 đảng viên đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD).


Quyền tối thượng của đảng viên SPD


Kể từ năm 1949 đến nay, chưa có một đảng phái chính trị nào ở Đức giành được đa số trong các cuộc bầu cử Quốc hội để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ. Một điểm chung trong suốt 16 nhiệm kỳ chính phủ cho tới nay là các đảng đều phải tiến hành liên minh với ít nhất một đảng khác để cầm quyền. Thông thường, các đảng cứ tiến hành đàm phán thăm dò, rồi chính thức và sau khi thống nhất được các chính sách và vị trí nội các, một chính phủ cuối cùng sẽ ra đời. Tuy nhiên, lần này mọi chuyện có lý không đơn giản như vậy.


SPD sẽ lấy ý kiến của toàn bộ 470.000 đảng viên về việc lập chính phủ đại liên minh.


Sau giai đoạn liên minh cùng đảng Xanh cầm quyền nước Đức từ 1998-2005, SPD đã mất ghế thủ tướng dù vẫn tham gia liên minh cầm quyền chính phủ giai đoạn 2005-2009 với liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel. 


Tuy nhiên, tại cuộc tổng tuyển cử năm 2009, SPD chịu thất bại cay đắng với kết quả bầu cử tồi tệ nhất trong lịch sử đảng và phải chấp nhận chuyển thành đảng đối lập. Sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua, với quyết định tìm kiếm liên minh với liên đảng bảo thủ, SPD có thể đã lường trước được sự giận dữ trong nội bộ đảng và đã xoa dịu với tuyên bố tiến hành "lấy ý kiến" của toàn bộ đảng viên về bất kỳ một thoả thuận liên minh nào.


Chiến thuật "biến đảng viên thành công cụ" này một mặt giúp xoa dịu sự giận dữ trong các đảng viên, mặt khác quan trọng hơn là đánh vào tâm lý của CDU/CSU trong tiến trình đàm phán. Rủi ro của quyết định này ở chỗ nếu có chưa đầy 20% số đảng viên SPD tham gia lấy ý kiến, hoặc trong đó có quá nửa số đảng viên phản đối thoả thuận liên minh, thì kế hoạch đại liên minh sẽ đổ vỡ và nước Đức có thể phải bầu cử lại vào đầu năm tới, chưa kể những hậu quả đối với uy tín ban lãnh đạo SPD vừa được bầu.


Từ 75 xuống 3 rồi lên 470.000

Cần phải nhắc lại rằng trong suốt tiến trình đàm phán chính thức kéo dài gần 5 tuần qua, có tới 200 nhà đàm phán chia thành 12 nhóm làm việc chung của ba đảng với nhiệm vụ tiến hành thảo luận nhằm đi tới một chính sách chung cho thỏa thuận liên minh. Tuy vậy, với bất cứ vấn đề không thể tìm được điểm chung nào, các nhóm làm việc lại "dành" quyền tự quyết cho lãnh đạo ba đảng.


Tại vòng đàm phán cuối cùng hôm 27/11, CDU/CSU và SPD lên kế hoạch thảo luận và quyết mọi vấn đề còn tồn động với sự tham gia của 75 nhà đàm phán hàng đầu của ba đảng. Tuy nhiên, tới phút chót, số người tham gia đàm phán được rút xuống chỉ còn 15 người. Sau khoảng 12 tiếng đàm phán căng thẳng, tới khoảng 1 giờ sáng (giờ Đức), cuộc đàm phán căng thẳng chỉ còn lại ba gương mặt là chủ tịch ba đảng. Như vậy, từ 75 nhà đàm phán, rút xuống 15 người, rồi 3 và cuối cùng đưa ra cho 470.000 đảng viên SPD quyết định. Điều này rõ ràng cho thấy sự căng thẳng, khó quyết trong nhiều vấn đề của ba đảng.


Tại Đại hội đảng SPD ở Leipzig vừa qua, người viết bài này có tìm hiểu ý kiến của một số đảng viên SPD, trong đó các ý kiến đều khá trái ngược. Có thể vào thời điểm này, các nét trong bản thoả thuận liên minh chưa được công bố và do vậy, nhiều đảng viên SPD còn nghi ngờ về những cái "được" và "mất" của đảng khi liên minh cầm quyền với liên đảng bảo thủ.


"Chiến dịch tranh cử" của SPD lại bắt đầu


Giờ đây, sau khi hoàn tất thỏa thuận liên minh, "chiến dịch tranh cử" của SPD lại bắt đầu. Tối 28/11, Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel đã tham dự và phát biểu tại một hội nghị khu vực ở thành phố Hofheim (bang Hessen) nhằm kêu gọi các đảng viên SPD ủng hộ cho chính phủ đại liên minh Đen-Đỏ. Đây là hội nghị đầu tiên trong tổng số 32 hội nghị mà SPD sẽ tổ chức để trình bày về những thành công, ưu thế của đảng trong đàm phán ký kết thỏa thuận liên minh vừa qua.


Phóng viên đưa tin từ trung tâm Đại hội đảng SPD tại thành phố Leipzig (bang Sachsen).


Theo kế hoạch, SPD sẽ in bản Hiệp ước liên minh trong số tạp chí đặc biệt của đảng và bắt đầu từ ngày 30/11 tới sẽ bắt đầu gửi phong bì thư qua bưu điện tới mỗi đảng viên. Muộn nhất tới ngày 6/12, từng đảng viên sẽ nhận được một phong bì, trong đó có phiếu biểu quyết, một số giải thích làm rõ các nội dung, thư riêng của Chủ tịch Gabriel và tuyên bố (xác nhận) trách nhiệm cá nhân (khi tham gia biểu quyết) cùng một phong bì rỗng. Thời hạn chót nhận phong bì thư trả lời là 12/12.


Để hạn chế những thành viên mới đăng ký tham gia, trong đó không ít người gia nhập SPD dịp này chỉ để "phá" hiệp ước liên minh, SPD quy định chỉ những đảng viên đăng ký trước thời ngày 13/11 mới được quyền biểu quyết (riêng trong tháng 10 đã có tới 2.500 người đăng ký, trong khi con số của tháng 11 này còn cao hơn nữa). Để cuộc lấy ý kiến này hợp lệ, phải có ít nhất 20% số đảng viên SPD tham gia, tức khoảng 95.000 người. Và kết quả cuối cùng cuộc trưng cầu có thể được công bố trong ngày 14 hoặc 15/12 tới.



Bài, ảnh: Mạnh Hùng (Phóng viên TTXVN tại Đức)

 

Đức: Thỏa thuận thành lập chính phủ vượt qua rào cản đầu tiên
Đức: Thỏa thuận thành lập chính phủ vượt qua rào cản đầu tiên

Ngay sau khi được lãnh đạo ba đảng gồm liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) ký kết, tối 27/11, thỏa thuận liên minh về thành lập chính phủ ở Đức đã vượt qua được những rào cản đầu tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN