Tối 26/11 bắt đầu diễn ra vòng đàm phán cuối cùng về thành lập chính phủ ở Đức giữa liên đảng bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel và đảng trung tả. Cho tới lúc này, hai trong số những vấn đề gây tranh cãi nhất đã được giải quyết sau gần 7 tuần đàm phán căng thẳng nhằm thành lập một chính phủ đại liên minh.Theo kế hoạch ban đầu, cuộc đàm phán cuối cùng này sẽ có sự tham gia của 75 nhà đàm phán thuộc liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD), song vào phút chót số người tham gia đã chính thức giảm xuống còn 15 chính khách hàng đầu của ba đảng.
Thủ tướng Angela Merkel (phải) và Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các thông tin mới nhất từ cuộc đàm phán cho biết hai bên đã đạt được nhất trí về hai trong số những vấn đề gây tranh cãi nhất là lương hưu và lương tối thiểu.
Theo kế hoạch, bản hiệp ước liên minh nêu trên sẽ được công bố trong ngày 27/11, tuy nhiên Tổng Thư ký CSU Alexander Dobrindt bày tỏ nghi ngờ về thời điểm này, khi vẫn còn một số điểm bất đồng bỏ ngỏ như quốc tịch kép, thuế đường đối với lái xe người nước ngoài, tài chính và y tế.
Trong khi đó, các vị trí nội các sẽ chưa được công bố chừng nào chưa có kết quả "thuận" trong cuộc trưng cầu ý kiến của toàn bộ 470.000 đảng viên SPD đối với thoả thuận trên.
Theo các kết quả đàm phán trước đó, CDU và SPD sẽ nắm giữ 6 bộ mỗi bên, còn CSU nắm giữ 3 bộ.
Ngoài ra, CDU/CSU và SPD thống nhất sẽ chia nhau giữ mỗi bên một bộ trong 3 cặp bộ gồm Tài chính/Kinh tế, Ngoại giao/Quốc phòng và Nội vụ/Tư pháp. Nếu quá trình này diễn ra suôn sẻ, bà Merkel có thể được Quốc hội khoá 18 bầu lại làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba vào ngày 17/12 tới.
Trong trường hợp đa số đảng viên SPD phản đối thoả thuận, nhiều khả năng Thủ tướng Merkel sẽ phải lãnh đạo một chính phủ thiểu số; tiến hành cuộc đàm phán thăm dò thứ hai với đảng Xanh, hoặc Đức sẽ có một chính phủ Đỏ-Đỏ-Xanh (SPD-đảng Cánh tả-đảng Xanh) và khả năng cuối cùng là nước Đức phải tiến hành bầu cử lại vào đầu năm 2014.
TTXVN/Tin tức