Theo đài Sputnik (Nga), trong loạt bài đăng trên Twitter vào hôm 28 và 29/1, ông Melnyk - cựu đại sứ Ukraine tại Đức - đã nêu lý do tại sao Berlin nên gửi tàu ngầm U-boat nổi tiếng đến vùng chiến sự.
“Tập đoàn ThyssenKrupp sản xuất một trong những loại tàu ngầm tốt nhất thế giới”, ông Melnyk viết, đề cập đến tàu ngầm tấn công diesel-điện Type 212A do “gã khổng lồ" thép và quốc phòng ThyssenKrupp AG của Đức chế tạo. “Bundeswehr (Quân đội Đức) có 6 chiếc tàu ngầm U-boat loại này. Tại sao họ không gửi một chiếc đến Ukraine? Một đô đốc đã nói với tôi rằng Ukraine cần một chiếc tàu ngầm để đối phó với hạm đội Biển Đen của Nga”, ông Melnyk viết trong bài đăng sau đó kèm theo sơ đồ chi tiết của tàu ngầm.
Nhà ngoại giao này cũng kêu gọi Đức gửi tàu khu trục Lubeck cho Ukraine, hoặc ít nhất là vũ khí của chúng – như hệ thống chống tên lửa tầm ngắn Chim sẻ biển (Sea Sparrow) và tên lửa chống hạm thành công nhất trên thế giới Harpoon cho Ukraine.
Bên cạnh đó, ông Melnyk cũng kêu gọi các đồng minh NATO của Kiev đưa ra kế hoạch tổng thể về cách đánh bại Nga, bằng cách phối hợp chặt chẽ để cung cấp vũ khí hiện đại - bao gồm máy bay chiến đấu và tàu ngầm - tới Ukraine, thay vì lo lắng về việc leo thang xung đột.
Đề xuất gửi tàu ngầm và tàu khu trục tới Ukraine đã nhận được những phản ứng trái chiều từ các nhà ngoại giao Ukraine. Một số người cho rằng đây là “ý tưởng tuyệt vời”, trong khi những người khác hoài nghi rằng những chiếc tàu này sẽ được vận chuyển đến Biển Đen bằng cách nào mà không có vấn đề gì với Thổ Nhĩ Kỳ.
“Đánh bại một hạm đội đã có từ thế kỷ 18 chỉ bằng một chiếc tàu ngầm?”, một chuyên gia nêu ý kiến.
Sau khi Đức và Mỹ chấp thuận chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 và Abrams cho Ukraine, Kiev đã ngay lập tức nhắm đến máy bay chiến đấu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu NATO hiện thực hóa “giấc mơ” chuyển giao chiến đấu cơ cho Ukraine sau khi cáo buộc Nga “tiêu diệt gần hết lực lượng không quân nước này”.
Trong bối cảnh đó, các nhà ngoại giao châu Âu và giới chức Lầu Năm Góc được cho đã vận động hành lang để gửi chiến đấu cơ F-16 đến khu vực xung đột.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 29/1 tuyên bố nước ông sẽ không đưa máy bay chiến đấu tới Ukraine.
“Không có chiến tranh giữa NATO và Nga. Chúng tôi sẽ không cho phép một sự leo thang như vậy”, ông Scholz nói.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc phương Tây công khai tham gia vào “cuộc chiến ủy nhiệm” với Moskva, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ chuyến hàng nào chứa vũ khí vận chuyển tới Kiev đều bị Nga coi là mục tiêu hợp pháp.
Nga trước đó cũng đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây cung cấp vũ khí vào Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài, làm tăng nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO.
Ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) cũng cảnh báo “thảm kịch toàn cầu” có thể xảy ra với nhân loại nếu phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
“Nếu vũ khí do Mỹ và các quốc gia thành viên NATO cung cấp được sử dụng để tấn công các thành phố dân sự và cố gắng giành lại các vùng lãnh thổ của Nga, như họ đe dọa sẽ thực hiện, thì Moskva sẽ đáp trả bằng vũ khí mạnh hơn”, ông Volodin nói.