Báo cáo do RSF công bố mới đây là bằng chứng đáng báo động về các vụ bắt cóc, hành hung và bắt giữ những người làm trong lĩnh vực truyền thông.
Dẫn số liệu báo cáo, hãng Reuters đưa tin từ tháng 1/2022 đến ngày 1/12 cùng năm, quốc gia Mỹ Latinh này ghi nhân 11 vụ sát hại nhà báo, chiếm gần 20% tổng số vụ toàn cầu.
“Sức ép từ xã hội và các tổ chức quốc tế, các cơ chế bảo vệ của chính quyền địa phương là không đủ”, RSF cho biết.
Các nhóm ủng hộ quyền tự do ngôn luận đã ghi nhận nhiều vụ sát hại người làm việc trong lĩnh vực truyền thông hơn trong năm nay, khiến năm 2022 trở thành năm nguy hiểm nhất được ghi nhận đối với các nhà báo ở Mexico.
Trên toàn thế giới, RSF ghi nhận 57 vụ sát hại nhà báo, tăng 18,8% so với năm 2021, chủ yếu do cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, gần một nửa số vụ sát hại nhà báo diễn ra ở châu Mỹ.
RSF cho biết, các quốc gia chìm trong bạo lực như Haiti, Nicaragua và Brazil nằm trong số những quốc gia mà nhà báo gặp rủi ro cao nhất trong việc điều tra các vấn đề liên quan đến tội phạm có tổ chức, các băng đảng và tham nhũng.
Báo cáo cũng nhấn mạnh vụ sát hại 3 phóng viên ở Brazil trong bối cảnh nạn phá rừng Amazon và hoạt động khai thác gỗ trái phép được đưa tin rộng rãi. Vụ sát hại nhà báo người Anh Dom Phillips là một trong những vụ án nổi tiếng nhất.
Cũng theo RSF, 49 nhà báo đã mất tích và 65 nhà báo khác bị bắt cóc trên toàn thế giới.